http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 21/07/2015
Ngành GTVT còn nợ nhân dân tuyến đường sắt hiện đại

Đây là trăn trở, đồng thời cũng thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại cuộc họp chiều qua (15/7) trước việc triển khai xã hội hóa kết cấu hạ tầng của ngành Đường sắt diễn ra chậm chạp.

Tiến độ quá chậm

Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng cho biết, việc xã hội hóa kết cấu hạ tầng giao thông rất quan trọng trong bối cảnh đang tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công. Bộ GTVT đã xây dựng đề án xã hội hóa tổng thể và từng lĩnh vực. Các lĩnh vực hàng hải, hàng không, đường bộ, đường thủy đều đang được đẩy mạnh, nhưng đường sắt lại chậm. Bộ trưởng Đinh La Thăng truy vấn: Cần tìm nguyên nhân vì sao? Do tư tưởng, ý thức chưa tốt hay cách làm chưa tốt?.

“Có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng vào đường sắt, nhưng tại sao xã hội hóa vẫn chậm?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Về việc di dời ga Đà Nẵng, Bộ trưởng cho rằng hoàn toàn có cơ sở thực hiện. TP Đà Nẵng đã đề nghị quá lâu rồi, sẵn sàng cấp đất, nhà đầu tư cũng sẵn sàng. Vấn đề là cách làm, phải ngồi với nhà đầu tư để bàn, làm kết hợp cả hai hình thức BOT và BT. Nhà ga đưa ra khỏi thành phố nhưng giao thông thuận tiện thì rất tốt.Về hệ thống bán vé điện tử chậm nhất tháng 8 phải xong các thủ tục để in vé điện tử

Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR cho biết, đối với dự án cho thuê bãi hàng ga Yên Viên, vướng mắc hiện nay do thương thảo với nhà đầu tư để thống nhất được thời gian cho thuê kết cấu hạ tầng. Nhà đầu tư là Công ty CP giao nhận và vận chuyển Indo Trần (ITL) muốn được thuê trong 23 năm để đạt lợi nhuận kỳ vọng khoảng 10,5%. Tuy nhiên, theo dự án đường sắt trên cao tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi và quy hoạch giao thông đường sắt đầu mối Hà Nội, ga Yên Viên được quy hoạch là ga đầu mối. Do vậy, VNR đang thương thảo thời hạn cho thuê chỉ 16 năm để tránh ảnh hưởng quy hoạch. Dự kiến trong tháng 7 này, VNR và ITL sẽ ký kết hợp đồng, tháng 8 sẽ bàn giao và tổ chức thực hiện đầu tư.Theo báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đơn vị này đang mời các nhà đầu tư tham gia nhiều dự án như cho thuê bãi hàng ga Yên Viên, cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt tại ga Đồng Đăng. Một số nhà đầu tư như Vingroup có văn bản đề nghị Bộ GTVT, VNR xem xét nghiên cứu phương án hợp tác đầu tư đối với các ga Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn. Công ty CP dịch vụ khách sạn Bạch Đằng đề xuất việc nhượng quyền khai thác đoạn đường sắt Đà Lạt - Trại Mát và các cơ sở hạ tầng nhà ga tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng...

Đối với việc cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt tại ga Đồng Đăng, VNR đang thẩm định phương án thiết kế tổng thể. Ngay sau khi HĐTV phê duyệt, VNR sẽ mời nhà đầu tư quan tâm.

Đối với đề xuất của Vingroup về đầu tư vào ga Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn, VNR đề nghị Bộ GTVT cho phép trong thời gian tập đoàn này nghiên cứu phương án đầu tư (khoảng 6 tháng) sẽ không tiến hành đàm phán hay hợp tác với nhà đầu tư khác.

Về tuyến Đà Lạt - Trại Mát, VNR đang phối hợp với Công ty CP dịch vụ khách sạn Bạch Đằng lập phương án để trình Bộ GTVT xem xét.


Ông Vũ Tá Tùng, Tổng Giám đốc VNR báo cáo kết quả huy động nguồn đầu tư xã hội hóa đường sắt

Phải thông suốt tư tưởng, cách nghĩ cách làm

Về tiến độ hệ thống bán vé điện tử, Chủ tịch HĐTV VNR Trần Ngọc Thành cho biết tiến độ chậm có phần lỗi của mình khi quyết định hơi muộn. Ông Thành cũng khẳng định, trong tháng 8 nếu không có gì thay đổi, Công ty Vận tải Đường sắt Sài Gòn sẽ thực hiện trước.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh, việc xã hội hóa kết cấu hạ tầng giao thông toàn ngành đã thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, tinh thần Hiến pháp và các quy định của luật. Các lĩnh vực của ngành đang thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa rất tốt. Nhưng đường sắt vẫn trì trệ, nếu không có quyết tâm chính trị cao thì không thực hiện được. “Phải thông suốt tư tưởng, cách nghĩ cách làm trong toàn thể CBCNV đường sắt. Xã hội hóa đường sắt là sống còn, nhu cầu rất cần để vận chuyển hàng hóa, đầu tư nhà ga. Nhưng cách làm của chúng ta đang làm nản lòng các nhà đầu tư”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chỉ đạo sát sao việc tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư trong khuôn khổ luật pháp quy định; Sớm có báo cáo đầu kỳ tuyến Hà Nội - Hải Phòng, tuyến TP HCM - Vũng Tàu. Kêu gọi đầu tư tuyến TP HCM - Cần Thơ, tuyến Sài Gòn - Lộc Ninh là những tuyến ngắn, đường sắt kêu gọi các tuyến ngắn khoảng 100km trở lại là rất khả thi.

Chiến Lược phát triển GTVT đường sắt và Quy hoạch chi tiết đường sắt phải triển khai ngay. Hiện đại hóa đường sắt hiện có, nghiên cứu làm một số tuyến mới có thể làm trước được.

Mới đây Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hội đàm, cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm và mong muốn được thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. “Chúng ta cần nghiên cứu xem làm tuyến nào trước, làm từng đoạn Hà Nội - Vinh hay TP HCM - Nha Trang hay một tuyến đơn Bắc Nam. Đưa các phương án để lấy ý kiến đồng thuận người dân, chuyên gia xem tổ chức thế nào tốt nhất. Cố gắng đến 2020 báo cáo Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt Bắc Nam tốc độ cao. Ngành GTVT còn nợ đất nước và nhân dân một tuyến đường sắt hiện đại, không thể để đường sắt cũ kỹ lạc hậu mãi”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng chỉ đạo VNR phải triển khai các dự án mà nhà đầu tư quan tâm. Yêu cầu tuyến Trại Mát - Lâm Đồng có giải pháp ngay với nhà đầu tư. Hay dự án Yên Viên và ga Đồng Đăng có số vốn không lớn so đường bộ, nhưng tác dụng rất lớn để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, nhất là hàng tươi sống. Phải làm đúng quy định, đúng quy hoạch và luật. Thúc đẩy vận tải đường sắt lên. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Bộ để có phương án giải quyết.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử BGTVT