http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 05/07/2018

Nhức nhối nạn lấn chiếm hành lang đường sắt

Nhức nhối nạn lấn chiếm hành lang đường sắt
Trên tuyến đường sắt qua 2 tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận đang tồn tại rất nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Nhức nhối nhất là tình trạng người dân tự mở lối đi trái phép, xâm hại hành lang ATGT đường sắt.
9

Điểm giao cắt Km 1688+250 thường xuyên ùn tắc giao thông, đe dọa an toàn chạy tàu

Vô tư họp chợ, xả rác vào hành lang đường sắt

Ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 26/6 dọc tuyến đường sắt qua địa bàn TP Biên Hòa, nhiều vị trí đường ngang dân sinh có người cảnh giới qua ngã ba Xóm Đình (phường Bửu Hòa), Km 1697+910 (giao lộ Võ Thị Sáu), Km 1692+305 (phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa) các phương tiện lưu thông thông thoáng. Trong năm 2017, ngành Đường sắt đã phối hợp với địa phương quyết liệt xóa bỏ hàng chục đường ngang dân sinh trái phép, bố trí người cảnh giới tại một số đường ngang có lượng phương tiện qua lại lớn nên các điểm đen tai nạn trước đây cơ bản đã được giải quyết.

Ngược lại, trên tuyến đường đường sắt đoạn qua phường Long Bình (TP Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 vẫn còn nhiều bất cập đe dọa an toàn tàu chạy như: Người dân xả rác, họp chợ, chiếm dụng hành lang đường sắt làm bãi tập kết gỗ của các xưởng mộc. Chạy dọc tuyến đường sắt đoạn qua phường Long Bình có thể dễ dàng bắt gặp nhiều bãi tập kết gỗ xếp cao nhiều lớp cạnh bên đường sắt có thể đổ bất cứ lúc nào đe dọa an toàn chạy tàu…

"Thời gian tới, Ban ATGT tỉnh có kế hoạch phối hợp ngành Đường sắt giải tỏa các công trình, vật, kiến trúc lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt. Đồng thời, tiếp tục xây dựng đường gom theo lộ trình, quy hoạch để rào xóa bỏ các lối đi dân sinh, đảm bảo an toàn chạy tàu”.

Ông Nguyễn Bôn
Phó ban chuyên trách, kiêm Chánh văn phòng Ban ATGT Đồng Nai

Cụ thể, tại điểm giao cắt giữa đường sắt và đường Điểu Xiển (Km 1866+250, phường Long Bình) nhà dân vô tư xây dựng kiên cố, cơi nới lấn chiếm hành lang đường sắt. Đây là đoạn giao cắt có mật độ xe container, xe tải thường xuyên ra vào Khu công nghiệp Hố Nai và Ga Hố Nai (huyện Trảng Bom). Theo quan sát, điểm giao cắt tại đây đường nhỏ hẹp, đoạn cua cong lại xảy ra tình trạng lấn chiếm khiến che khuất tầm nhìn người đi đường. Trong khi đó hàng ngày có hàng chục lượt chuyến đường sắt Bắc - Nam và tàu hàng từ Ga Hố Nai đi ngang qua luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT.

Tương tự, tại Bình Thuận, tình trạng xâm hại lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt cũng diễn ra nhức nhối. Người dân tự ý mở lối đi qua đường sắt, hệ thống hàng rào bằng bê tông bị đập phá diễn ra phổ biến đe dọa trực tiếp an toàn chạy tàu. Đại diện Công ty CP Đường sắt (Công ty CPĐS Thuận Hải - đơn vị quản lý tuyến) cho biết, từ đầu tháng 6 đơn vị đã phối hợp cùng địa phương kiểm tra công tác đảm bảo ATGT tuyến đường sắt. Qua kiểm tra phát hiện nhiều vị trí hành lang bị xâm hại, người dân tự ý mở lối đi dân sinh trái phép, đập phá hàng rào bảo vệ.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc có 50 điểm giao cắt. Trong đó có 17 đường ngang hợp pháp còn lại là lối đi tự mở. Đặc biệt, tại các vị trí Km 1538+850, Km 1541+050, Km 1544+229 các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng tự ý sử dụng hành lang ATGT đường sắt để làm đường công vụ, dùng phương tiện có tải trọng lớn qua lại đường sắt làm mặt đường bộ hai bên đường ngang bị lún, rạn nứt. Khi mật độ xe tải lưu thông với mật độ cao sẽ đe dọa đến an toàn chạy tàu nếu không có biện pháp đảm bảo an toàn. Tương tự, tại vị trí Km 1490+050 đoạn qua xã Hồng Thái (huyện Bắc Bình) xảy ra tình trạng nguời dân đập phá hàng rào, tự ý đổ đất san lấp cao sát mặt ray chạy tàu để đi lại đe dọa trực tiếp đến công tác chạy tàu, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra các tai nạn nhưng vẫn chưa được địa phương xử lý.

Quyết liệt xử lý, trả lại hành lang cho đường sắt

Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết, đến giữa năm 2018 đã hoàn thành gần 6km lối đi tạm, thu hẹp 3 lối đi dân sinh, lắp đặt gần 12km hàng rào tôn lượn sóng. Các đơn vị cũng bố trí người cảnh giới và lập chòi gác tại 11 vị trí và được kết nối tín hiệu đường sắt, lắp đặt bổ sung biển báo, gờ giảm tốc.

Ông Nguyễn Bôn, Phó ban chuyên trách, kiêm Chánh văn phòng Ban ATGT Đồng Nai cho biết, thời gian qua địa phương đã tích cực vận động người dân tháo dỡ công trình lấn chiếm hành lang đường sắt. Đáng chú ý “điểm nóng” của nạn lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt qua xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom) tồn tại nhiều năm qua nay đã được xóa sổ. UBND xã đã vận động 43 hộ dân tự tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc lấn chiếm hành lang đường sắt với chiều dài 2km.

Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết, tình trạng vi phạm hàng lang ATGT đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt cũng đáng báo động. Theo thống kê đến tháng 2/2018, trên toàn mạng lưới đường sắt còn tồn tại 14.170 vị trí vi phạm; Nhức nhối nhất là Đà Nẵng với 1.556 vị trí, tiếp đến là Khánh Hòa 1.236 vị trí, Hà Nội 11.199 vị trí…

Theo ông Khôi, do trong quá trình đô thị hóa, nhiều địa phương khi giao đất cho các doanh nghiệp xây dựng các KCN, khu dân cư thiếu sự phối hợp với đường sắt trong thực hiện khi quy hoạch.

“Tuy nhiên, tại một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng họp chợ, buôn bán lấn chiếm hành lang đường sắt làm nơi buôn bán, tập kết gỗ chưa được xử lý dứt điểm” ông Bôn nói.

Ông Nguyễn Đình Đảng, Phó giám đốc Công ty CP Quản lý đường sắt Sài Gòn cho biết, thời gian qua đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng quyết liệt dẹp bỏ lối đi dân sinh trái phép. Đồng thời, đơn vị cũng hướng dẫn nghiệp vụ về ATGT đường sắt và cung cấp hỗ trợ trang thiết bị cho người được địa phương làm nhiệm vụ cảnh giới. Tuy nhiên, qua rà soát đến nay, trên tuyến đường sắt qua Đồng Nai có 13 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình hành lang ATGT đường sắt.

Mới đây, tại cuộc họp về công tác đảm bảo ATGT đường sắt tại Đồng Nai, ông Vũ Quang Khôi, Cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang ATGT đường sắt tại vẫn chưa được xử lý triệt để. Một số vị trí người dân còn xây dựng nhà ở, làm nơi buôn bán, tập kết gỗ, vật liệu xây dựng gây mất ATGT. “Thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cần phối hợp với Cục Đường sắt VN rà soát, kiên quyết xóa bỏ những đường ngang dân sinh trái phép, quản lý hiệu quả các đường ngang có gác chắn sớm giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm, trả lại hành lang cho đường sắt”, ông Khôi nói.

Nguồn: Báo Giao thông