http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 21/07/2010

Phát triển mạng lưới đường sắt để giải bài toán giao thông đô thị

Phát triển mạng lưới đường sắt để giải bài toán giao thông đô thị

Ảnh Gas Hà Nội trong tương lai.

Tình trạng ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện nay ngày càng gia tăng. Giải quyết vấn đề này như thế nào, đến nay vẫn là bài toán khó. Theo các chuyên gia, dù muộn nhưng đã đến lúc VN nên chọn phương án xây dựng, phát triển đường sắt nội - ngoại ô để cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông.  

Giao thông được ví như mạch máu, trong đó đường sắt là động mạch, xe buýt, taxi, xe máy là mao mạch. Phải xây dựng đường sắt để phát huy vai trò của động mạch chủ.

Lâu nay, chúng ta đã không chú trọng, thiếu quan tâm đến việc phát triển đường sắt đô thị. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, phát triển đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh đều phải trên cơ sở tiền đề phát triển đường sắt nội - ngoại ô.

Ai cũng biết, đi đôi với tăng trưởng kinh tế là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, qui mô các đô thị ngày càng tăng, dẫn đến phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó có tắc nghẽn và tai nạn giao thông.

Thỏa mãn nhu cầu đi lại của nhân dân bằng việc phát triển đô thị gắn với phát triển các tuyến đường sắt sẽ giảm bớt số lượng hành trình và quãng đường tham gia giao thông của người dân. Lợi thế của đường sắt là chuyên chở được khối lượng lớn, an toàn, đúng giờ, giá vé hợp lý.

Theo quy hoạch đã được duyệt, TP. Hồ Chí Minh sẽ có 9 tuyến đường sắt đô thị và 5 tuyến cho TP. Hà Nội. Tuy nhiên, vấn đề gắn kết các tuyến đường sắt này với việc phát triển đô thị như thế nào, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Một vấn đề không thể phủ nhận là, phát triển đô thị mới phải trên cơ sở phát triển vận tải công cộng mà mạng đường sắt đô thị là xương sống. Xe buýt là các nhánh xương cá tới các khu dân cư có quy mô nhỏ hơn và taxi, xe ôm đảm nhận các khu dân cư cá biệt. Trong đó nhà ga nằm trong khu đô thị mới. Quảng trường nhà ga chính là trung tâm thương mại với không gian mở liên kết đường sắt, đường bộ.

Kinh nghiệm từ Công ty Tokyu, Nhật Bản cho thấy họ đã rất thành công với phương thức tư nhân đầu tư xây dựng đường sắt đô thị với các khu đô thị mới. Hiện tuyến số 5 của Hà Nội là tuyến Nam Hồ Tây- Ngọc Khánh- Láng- Hòa Lạc đang được nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản quan tâm với phương thức đầu tư giống như Công ty Tokyu trong việc xây dựng tuyến đường sắt Tokyu Toyoko ở Nhật Bản. 10 năm qua, nhiều dự án xây dựng đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được đề cập đến. Từ đường sắt trên cao đến tàu điện ngầm, trong đó Hà Nội với 5 tuyến, TP Hồ Chí Minh với 9 tuyến.

Thế nhưng, cho đến giờ phút này tất cả vẫn chỉ là trên giấy, có một, hai dự án đã khởi động, động thổ rồi lại bất động. Hà Nội đã ra quyết định đầu tư xây dựng 2 dự án đường sắt trên cao là Cát Linh- Hà Đông và tuyến đường sắt Ngọc Hồi- Yên Viên. Thế nhưng, cả hai dự án này mới nằm ở những thủ tục đầu tiên.

Đơn cử như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông dài 13,05km, có tổng mức đầu tư 8.769.965 triệu đồng, dự kiến đến năm 2014 sẽ đi vào khai thác. Tuy nhiên, đến giờ này vẫn chưa xong phương án mặt bằng, cho dù nhà thầu Trung Quốc đã bố trí được vốn. Dự án xây dựng giai đoạn 1 tuyến đường sắt Ngọc Hồi- Yên Viên hiện đang gặp khó khăn cả về vốn lẫn mặt bằng.

Có một tuyến đường sắt đô thị đang trở thành vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư theo hình thức mới, lần đầu tiên có ở VN là đầu tư xây dựng đường sắt theo hình thức BT. Đó là tuyến đường sắt đô thị số 5 từ Nam Thăng Long- Láng- Hoà Lạc.

Dự án được sự quan tâm của 7 nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và một Công ty VN với tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ USD. Đây cũng là những tín hiệu thể hiện các dự án đường sắt đô thị đang hấp dẫn nhà đầu tư và chủ trương xã hội hoá hạ tầng đang thành hiện thực. Tại TP. Hồ Chí Minh, việc gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các dự án tàu điện ngầm (metro) thời gian gần đây cũng khá sôi động.

Tập đoàn Siemens của Đức dự kiến sẽ đầu tư 2 tuyến metro với tổng vốn đầu tư khoảng 800 triệu euro. Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ chịu 30% vốn, còn lại sẽ vay 100 triệu euro từ nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức của Đức và 20 triệu euro từ Áo.

Những năm gần đây, Hà Nội đã thực hiện nhiều chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quá trình này cũng kèm theo những bất cập như gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...

Thực trạng trên chứng tỏ hệ thống đường giao thông hiện hữu bị quá tải, không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu giao thông khu vực và lưu thông vào giờ cao điểm.

Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc hoàn thiện và hiện đại hóa hạ tầng giao thông, cần phải quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng phát triển hệ thống giao thông đường sắt.