http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 04/08/2010

Xây dựng, khai thác hệ thống đường sắt tại TP HCM: Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

 Nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho việc vận hành, quản lý khai thác hệ thống vận tải khách công cộng rất lớn và hiện đại trong nội thị này, chính quyền thành phố và Ban quản lý đường sắt đô thị đã đề xuất một chương trình đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật cao với các trường đại học, cao đẳng nghề.

Theo đó, nhiệm vụ của các trường như Đại học Giao thông vận tải, cơ sở 2 Trường ĐH GTVT TP HCM, Đại học Bách khoa TP HCM, Cao đẳng Nghề đường sắt Dĩ An, Cao đẳng GTCC TP HCM và Trường Cao đẳng GTVT sẽ liên kết với nhau để tiến hành đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực còn khá mới mẻ này.

Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội Cầu đường - Cảng thành phố cho biết: Theo lộ trình đào tạo nhân lực cho việc vận hành, quản lý khai thác hệ thống đường sắt đô thị của TP HCM giai đoạn 2010 - 2030, lượng tuyển sinh sẽ tăng dần sau mỗi khoá.

Ngay trong năm 2010 này, các trường được thành phố giao nhiệm vụ sẽ phải tuyển sinh đào tạo khoảng 3.924 người và đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 5.800 người. "Chỉ riêng với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ triển khai trong năm 2011 tới, khi đưa vào khai thác năm 2015, sẽ phải cần đến 800 nhân viên có trình độ kỹ thuật và 1/3 trong số này phải có trình độ kỹ sư".

Theo KS Hà Ngọc Trường, đường sắt, metro là một loại hình vận tải khối lượng lớn trong đô thị với nhiều loại trang thiết bị kỹ thuật hiện đại lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam. Vì vậy, TP HCM cần có kế hoạch đào tạo nhân viên ngay trong khoảng thời gian xây dựng công trình. Những công nghệ bình thường, có thể tiến hành đào tạo nhân viên kỹ thuật tại chỗ; còn đối với những công nghệ, kỹ thuật hiện đại thì cần phải đào tạo ngay tại nơi chế tạo và nơi khai thác, vận hành.

Theo khuyến cáo của Saprof, một đơn vị nghiên cứu xây dựng đường sắt của Nhật Bản, thì thành phố cần chuẩn bị một kế hoạch tập huấn trong giai đoạn xây dựng. Hoạt động này sẽ bắt đầu trước khi công trình đưa vào khai thác và nên mời cả các nhà cung cấp thiết bị tham gia huấn luyện.

Cũng do tham gia vận hành hệ thống vận tải với số lượng khách rất lớn, các nhân viên tham gia vận hành, khai thác trên hệ thống vận tải đường sắt đô thị bắt buộc phải có chứng chỉ đã hoàn thành khoá huấn luyện và chỉ được giao nhiệm vụ theo đúng chuyên môn được đào tạo.

KS Hà Ngọc Trường cho rằng, để đảm bảo cho các dự án đường sắt đô thị của thành phố đưa vào vận hành hoặc triển khai đúng kế hoạch, trước mắt từ nay đến 2015, mỗi năm TP HCM cần phải đào tạo 400 nhân viên kỹ thuật.

Đây là nhiệm vụ không hề đơn giản, đòi hỏi sự phân công, hợp tác chặt chẽ giữa các trường nên cần thiết phải thành lập một ban chỉ đạo cấp thành phố để điều phối hoạt động đào tạo giữa các trường một cách nhịp nhàng, phù hợp với kế hoạch đào tạo chung