Chiều ngày 6/1/2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã làm việc với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) về kết quả thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, kết quả tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cổ phần hóa năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014.
|
Hoạt động theo mô hình mới, SBIC với 8 đơn vị thành viên đang đặt mục tiêu giảm dần lỗ, tiến tới có lãi trong năm 2014 |
Khẩn trương hoàn thiện tổ chức bộ máy
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Tổng giám đốc SBIC: “Nhờ việc tái cơ cấu thành công các khoản nợ, giảm lãi vay nên các đơn vị chính của Vinashin trong năm 2013 không còn bị âm vốn như trước đây.
Thực hiện chỉ đạo tái cơ cấu của Bộ Chính trị, Chính phủ, tập đoàn đã chính thức hoạt động theo mô hình Tổng công ty từ ngày 26/12. Hiện đang hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy của công ty mẹ - Tổng công ty, bổ nhiệm lại các chức danh và chuẩn bị thẩm định đề án tái cơ cấu 8 đơn vị thành viên thuộc diện giữ lại để báo cáo Bộ GTVT, dự kiến hoàn thành trong Quý I/2014.
Cũng theo ông Tuấn, SBIC đến nay đã giảm được 59 đầu mối, góp phần tạo ra bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Việc tái cơ cấu lao động, đầu tư cũng đang được Tổng công ty tiến hành.
Trong năm 2013, Tổng công ty đã đóng được 82 tàu, chủ yếu là tàu cá cho bà con ngư dân trong nước và tàu trọng tải lớn cho một số nước trong khu vực. Về kế hoạch sản xuất kinh doanh 2014, ông Tuấn cho biết, nhiệm vụ khó khăn nhất vẫn là sắp xếp việc làm cho khoảng 8.000 người lao động tại Tổng công ty nên rất cần Bộ GTVT có phương án hỗ trợ.
Từng bước cắt giảm lỗ và tiến tới có lãi
SBIC bao gồm công ty mẹ và 8 công ty con với lĩnh vực hoạt động chính là đóng mới và sửa chữa tàu biển. Nếu so với con số hơn 230 công ty con trước đây của Vinashin thì số lượng đã giảm vô cùng lớn, song về năng lực đóng tàu, trao đổi với báo giới, chủ tịch SBIC Nguyễn Ngọc Sự khẳng định: "Tuy chỉ còn 8 nhà máy đóng tàu nhưng tổng năng lực đóng tàu của SBIC vẫn chiếm 70-75% tổng năng lực cả nước". Như vậy, năng lực đóng tàu chỉ giảm chưa tới 10% so với trước tái cơ cấu.. |
Tham dự cuộc họp, các đơn vị chức năng của Bộ GTVT đã đóng góp ý kiến cho hoạt động của SBIC. Các ý kiến đồng tình cho rằng, trong giai đoạn khó khăn này Vinashin cần tập trung triển khai tái cơ cấu tổ chức, chuyển đổi doanh nghiệp. Đặc biệt cần sớm kiện toàn nhân sự để ổn định tư tưởng, củng cố niềm tin đối với Đảng, Nhà nước và xã hội.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trong phương án sản xuất kinh doanh năm 2014, Tổng công ty cần xác định rõ các dòng sản phẩm chủ đạo, có khả năng cạnh tranh và phù hợp với điều kiện hiện nay.
Ông Đỗ Nga Việt, Chủ tịch công đoàn GTVT VN đặc biệt lưu ý đến công tác tái cơ cấu nguồn lao động. “Nhiều đơn vị báo cáo lên không có việc làm nhưng vẫn còn rất nhiều lao động đang trong tình trạng chờ việc. Cần sớm có sự cân đối các nguồn lao động để phát huy được hiệu quả nhất trong sản xuất kinh doanh”, ông Việt nói.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cũng yêu cầu: “8 doanh nghiệp được giữ lại cần tranh thủ cơ chế đặc biệt để tái cơ cấu lao động. Qua kiểm tra vừa qua thấy công tác này còn chậm. Điển hình như tại công ty Nam Triệu vẫn còn hơn 2 nghìn lao động trong khi cả năm doanh thu có hơn 100 tỷ”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng Tổng công ty cần thực hiện theo đúng lộ trình của đề án tái cơ cấu và đẩy mạnh việc sản xuất kinh doanh. Đến nay, Tổng công ty chưa làm chủ được thị trường trong nước. Phải tổ chức quảng bá, hội thảo để tìm kiếm khách hàng tại thị trường trong nước. Nhất là đối với loại tàu 5 nghìn tấn trở lại. Trong sản xuất kinh doanh cần phải làm chủ công nghệ. SBIC phải đạt doanh thu 11 – 12 nghìn tỷ/năm mới tồn tại được, ông Trường nói.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã biểu dương những cố gắng của cán bộ, CNVC tại Tổng công ty với lời động viên: “Với tình hình như vậy, lãnh đạo tập đoàn không xin từ chức đã là một sự cố gắng, thể hiện trách nhiệm rồi. Sự quyết tâm của lãnh đạo đã tạo được niềm tin để tìm ra ánh sáng cuối đường hầm…”.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo, các cục, vụ của Bộ GTVT cần có sự chia sẻ, giúp sức hơn nữa để Tổng công ty sớm vượt qua khó khăn. Mặt khác, SBIC phải chủ động đối mặt với thách thức và quyết liệt thực hiện tái cơ cấu theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Chính phủ.
Bộ trưởng khẳng định mục tiêu của SBIC hiện nay là phải thực hiện đúng chỉ đạo về tái cơ cấu, không tham vọng giá trị sản lượng cao. Đàm phán hợp đồng mới phải ít nhất hòa vốn, hợp đồng cũ giảm lỗ tối đa. Cố gắng bám sát thị trường. Mở rộng hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý trong sản xuất kinh doanh, cần đặt mục tiêu hiệu quả chứ không chạy theo tăng trưởng. Đặc biệt, Tổng công ty cần tập trung cổ phần hóa bởi đây là con đường quyết định đến sự thành công của các doanh nghiệp nhà nước…
Tiến Mạnh