http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 06/11/2015

Mở đợt cao điểm kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ

Mở đợt cao điểm kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ

Sáng 30/10, tại trụ sở Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ 10 tháng đầu năm 2015 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. 
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng Lãnh đạo các cơ quan liên quan của Bộ GTVT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã tới dự cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, 10 tháng đầu năm 2015, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành, địa phương (đặc biệt là Bộ Công an, Quốc phòng...) chủ động, quyết liệt thực hiện, với nhiều chỉ đạo và giải pháp đồng bộ và thực tế, tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục có chuyển biến tích cực, tình trạng xe quá tải trọng giảm đáng kể.

Về kết quả thực hiện tại các Trạm Kiểm tra tải trọng xe (KTTTX),  ông Nguyễn Văn Huyện cho biết, 2 Trạm KTTTX cố định và 63 Trạm KTTTX lưu động kiểm soát trọng tải xe 24/24h và 07/07 ngày trong tuần. Từ 01/01 đến ngày 20/10/2015, các Trạm KTTTX trên cả nước đã kiểm tra 387.017 xe, trong đó có 37.251 xe vi phạm, chiếm tỉ lệ 9,6%; hạ tải 66.500 tấn hàng (đối với 12.661 xe), tước 12.247 Giấy phép lái xe, xử phạt nộp Kho bạc nhà nước 200 tỷ đồng.

cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện báo cáo tại cuộc họp

"Trong 9 tháng đầu năm 2015, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự ATGT, lực lượng CSGT trên toàn quốc đã phát hiện và lập biên bản 44.335 trường hợp vi phạm (vi phạm quá tải: 40.572 trường hợp, vi phạm kích thước: 3.763 trường hợp); xử phạt nộp Kho bạc Nhà nước 72,609 tỷ đồng, tạm giữ 193 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1.750 trường hợp. Đã xử lý hạ tải đối với 3.002 phương tiện vi phạm với 10.797 tấn hàng" - ông Nguyễn Văn Huyện nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện cũng nêu lên những khó khăn, vướng mắc, như: kinh phí cấp chi cho hoạt động kiểm soát tải trọng xe của các Sở GTVT, các Cục QLĐB, các Trạm KTTTX rất thấp; các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, điều kiện làm việc rất thiếu thốn; khó khăn về vị trí mặt bằng đủ điều kiện đặt bàn cân, đủ rộng để dừng xe đảm bảo an toàn (độ bằng phẳng, bề rộng mặt đường…); quy định phạm vi kiểm tra của lực lượng công chức Thanh tra là trên quốc lộ, do đó khi kiểm tra những phương tiện trốn tránh, dừng đỗ vào đường địa phương mà không có sự phối hợp của Thanh tra giao thông hoặc CSGT địa phương thì sẽ gặp khó khăn...

Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, ngay từ đầu năm 2015, đơn vị đã có kế hoạch tập trung xử lý xe quá tải và giao cho Công an các địa phương tăng cường lực lượng, huy động CSGT phối hợp với Cục CSGT Đường bộ - đường sắt để kiểm soát tải trọng phương tiện, phối hợp CSGT Đường thủy mở rộng phạm vi địa bàn, tập trung đấu tranh tránh nạn bảo kê, tăng cường công tác hậu kiểm.

Nguyễn Hữu Dánh

Phó Cục trưởng Cục CSGT Nguyễn Hữu Dánh phát biểu tại cuộc họp

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị Bộ trưởng trao đổi với lãnh đạo Bộ Công an kiểm điểm trách nhiệm những cá nhân, đơn vị để 10 xe quá tải chở kính đi qua 5 tỉnh mới bị phát hiện tại Hà Tĩnh, kiểm điểm trách nhiệm các địa phương, đề nghị Bộ Công an xử lý thí điểm, làm bài học cho các địa phương khác.

Ông Khuất Việt Hùng cũng kiến nghị việc thêm 55.000 xe tải - nếu không tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ thì các xe này sẽ phá đường. Ông Hùng cũng đề nghị tăng cường kiểm tra kích thước thùng hàng; có ý kiến với Bộ Tài chính hướng dẫn quy trình cụ thể nộp phạt qua tài khoản; triển khai trạm cân gắn liền với trạm thu phí.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đưa ra 4 giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả  công tác kiểm soát tải trọng xe. Thứ nhất, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng hai tháng cuối năm 2015 cần phải triển khai một đợt cao điểm kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ rộng khắp tại nhiều địa phương còn để xảy ra nhiều hiện tượng này. Thứ hai, tại các trạm cân lưu động vừa rồi Lãnh đạo Bộ đi kiểm tra đột xuất hầu như các trạm đều buông lỏng, cần siết chặt  lại quy trình cũng như nhân sự, điển hình vụ để lọt  10 xe chở kính đi qua 5 tỉnh vừa rồi. Thứ ba, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần có các đơn vị " nằm vùng" nắm tình hình và có số liệu chính xác các xe quá tải tại địa phương, báo cáo về Bộ để làm việc với các tỉnh, kiểm soát chặt chẽ cán bộ. Biện pháp thứ tư, theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ là lực lượng công an phải xử phạt thật nặng các trường hợp cơi nới thùng sai kích thước sau khi có đối chiếu với hình ảnh của đăng kiểm.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng nhấn mạnh, trong thời gian qua công tác KSTTX đã có những kết quả bước đầu tương đối tốt là nhờ ngoài sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, các cơ quan chức năng còn có sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan báo chí đồng hành tốt hơn nữa với Ngành GTVT nói riêng, và cả hệ thống chính trị để phát hiện, phản ánh hiện tượng này tốt hơn nữa.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho rằng, thời gian qua, đã thực hiện nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất là tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ. Ở các cảng biển, các cơ quan chức năng đã xử lý một số vụ, đình chỉ công tác một số cán bộ nên việc KSTTX từ cảng biển ra được kiểm soát tương đối tốt. Tuy nhiên, tại các cảng bến thủy nội địa thì lại chưa đạt được kết quả như vậy. Lý do cho hiện tượng này, theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công là các cảng ĐTNĐ quá nhiều, vắng, quy mô nhỏ rất khó kiểm soát,  khi chúng ta kiểm soát cảng biển tốt thì phương tiện vi phạm lại chạy sang cảng thủy nội địa.

cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam

Lực lượng chức năng kiểm tra tải trọng xe trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá với việc thực hiện quyết liệt Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và các địa phương, công tác đảm bảo trật tự ATGT nói chung, trong đó công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã có bước tiến rất đáng kể.

"Chính vì vậy, trong 10 tháng đầu năm 2015, TNGT tiếp tục giảm cả ba tiêu chí, 10 tháng qua toàn quốc xảy ra 18.437 vụ, làm chết 7.185 người, làm bị thương 16.755 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 2.364 vụ (-11,36%), giảm 290 người chết (-gần 3,9%), giảm 3.218 người bị thương (-16,11%), đây là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn. Tất nhiên, so với Nghị quyết của Quốc hội từng địa phương và cả nước là giảm từ 5 - 10% số người bị chết vì TNGT, mới giảm được 3,9%, nhưng đây cũng là kết quả rất đáng ghi nhận. Liên tục trong 4 năm qua, TNGT đều giảm cả 3 tiêu chí, đây là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận ủng hộ của toàn dân” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đánh giá công tác xử lý vi phạm được triển khai, thực hiện nghiêm túc. Lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản 3.491.600 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ; phạt tiền 2.261,22 tỷ đồng; tạm giữ 32.081 xe ô tô và 422.527 mô tô; tước 290.860 giấy phép lái xe; xử lý 162.424 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa, phạt tiền 91,843 tỷ đồng.

Với sự vào cuộc tích cực và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, trong đó chủ đạo quan trọng là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT ...công tác kiểm soát tải trọng phương tiện đã đạt được những bước tiến triển rất tích cực, xe quá tải giảm. Nhiều địa phương đã phối hợp, vào cuộc rất tích cực, phối hợp chặt chẽ.

“Tình trạng xe quá tải giảm 85%, nhưng còn 15%, con số không lớn nhưng xóa nó không ít khó khăn, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị cần nỗ lực hơn, cố gắng nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn. Coi xe quá tải là giặc thì phải quyết tâm “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, tất cả mọi người, mọi tổ chức đều phải thực sự vào cuộc. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và sự chỉ đạo của Chính phủ, quyết tâm đồng lòng mạnh mẽ hơn nữa, để khẳng định với Đảng, với nhân dân rằng công cuộc này còn gian nan, khó khăn nhưng vẫn quyết tâm làm đến cùng, không thể để dân nghi ngờ - Bộ trưởng đề nghị.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế chính sách, các quy định cho phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam (quy định về tải trọng, quy định xử lý vi phạm về mức độ vi phạm, sửa Nghị định 171/NĐ-CP, sửa Bộ Luật Hàng hải, các nghị định, thông tư…).

"Đây là giải pháp lâu dài và thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, cho doanh nghiệp, góp phần cùng với cả nước nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng yêu cầu đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án, hoàn thiện hệ thống biển báo (biển báo tốc độ, hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hệ thống an toàn…); khẩn trương triển khai trạm cân cố định tại tất cả trạm thu phí.

Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục chủ trì, thường trực trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; giao nhiệm vụ cụ thể cho các Cục, Chi cục quản lý đường bộ, đặc biệt là trong việc phát hiện các đoàn xe vi phạm tải trọng, kịp thời báo cho các cơ quan chức năng xử lý.

Bộ trưởng thống nhất xây dựng kế hoạch kiểm soát tải trọng phương tiện cao điểm hai tháng cuối năm 2015, với chủ trương quyết liệt, mạnh mẽ hơn, thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc kiểm soát tải trọng phương tiện, thực hiện bằng được các mục tiêu đã đề ra, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

“Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam phải tổ chức các đoàn kiểm tra tại các nơi bốc xếp, dỡ hàng hóa… “tập trung làm một số cảng lớn trước đi, chúng ta phải làm từ gốc, chúng ta nói mãi rồi, ở đây toàn làm từ ngọn, bây giờ phải làm cả gốc lẫn ngọn, cả gốc, cả thân, cả ngọn, làm tất, thậm chí làm từ rễ; cùng với việc xử phạt thì phải có xử lý cán bộ vi phạm, chưa xử lý được cán bộ thì chưa thể giải quyết triệt để được vấn đề này” - Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng đề nghị Cục CSGT, Bộ Công an tiếp tục triển khai thực hiện chỉ thị, kế hoạch của Bộ Công an đã đề ra đặc biệt là việc hậu kiểm. Bộ trưởng giao Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng Cục CSGT, Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét lại vụ 10 xe chở kính để xử lý tất cả cá nhân, đơn vị có liên quan.

Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chỉ đạo quyết liệt hơn việc triển khai cân cố định gắn với trạm thu phí, cũng như nâng cao chất lượng của các trạm cân, không thể nói lý do cân hỏng được mà để lọt xe quá tải được. Bộ trưởng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tuyên truyền các hội viên của Hội nắm rõ chủ trương và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới đường bộ.

Nguồn: Mt.gov.vn