Dù đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, nhưng Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) đang nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị chắn tự động tại các đường ngang để tăng cường đảm bảo ATGT đường sắt.
Nửa năm, lắp đặt 300 thiết bị chắn đường ngang
Hiện nay, công tác đảm bảo an toàn tại các vị trí giao cắt đường sắt - đường bộ chủ yếu vẫn dùng phương pháp thủ công (sử dụng nhân công phòng vệ đường ngang bằng cần hoặc dàn chắn). Việc làm này cần số lượng lớn nhân viên trực chốt tại các đường ngang để đảm bảo an toàn chạy tàu. Ngoài ra, tại các đường ngang cảnh báo tự động (cảnh báo bằng thiết bị đèn, loa, chuông…, không có nhân viên gác chắn), TNGT đường sắt vẫn có thể xảy ra do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát hoặc cố tình vi phạm, vượt đường sắt mặc dù thiết bị đã cảnh báo.
Vì vậy, tháng 3/2015, HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN có chủ trương đưa công nghệ tự động hóa, cơ giới hóa vào công tác quản lý đường ngang để từng bước giảm cường độ lao động và giảm định biên đối với các đường ngang có gác, đồng thời, hỗ trợ và tăng cường đảm bảo ATGT.
Ông Nguyễn Đức Sơn, Phó ban Quản lý cơ sở hạ tầng đường sắt VNR cho biết, ngay sau khi có chủ trương trên, các đơn vị đã tiến hành rà soát, lựa chọn thiết bị để lắp đặt và vận hành thí điểm tại các đường ngang. Các đơn vị quản lý hạ tầng đường sắt phải chủ động tìm kiếm đối tác có đủ năng lực kinh nghiệm, đồng thời trao đổi các nội dung kỹ thuật để triển khai phương án linh hoạt như: lắp động cơ điện trên dàn chắn đơn hoặc dàn chắn lồng tại đường ngang có gác, lắp cần chắn điện tại đường ngang cảnh báo tự động trong phạm vi đơn vị quản lý.
“Công việc được tiến hành rất nhanh nhưng phải đảm bảo về chất lượng, yêu cầu kỹ thuật, hoạt động ổn định và an toàn”, ông Sơn cho biết thêm.
Theo ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc VNR, mục tiêu của VNR là đến năm 2020 sẽ đưa thiết bị chắn tự động vào toàn bộ đường ngang cảnh báo tự động và đường ngang có gác trên mạng lưới đường sắt quốc gia. Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt, trong năm 2015 phải lắp đặt được 300 bộ thiết bị; trong đó 100 cần chắn tự động tại đường ngang cảnh báo tự động và 200 cần chắn, dàn chắn bán tự động tại đường ngang có gác. Việc lắp đặt được triển khai theo hướng ưu tiên các đường ngang có mật độ phương tiện lưu thông lớn, nguy cơ mất ATGT đường sắt cao.
Ông Hưng cũng cho biết, kinh phí cho đầu tư lắp đặt thiết bị chủ yếu VNR cân đối từ nguồn sự nghiệp kinh tế, ngoài ra từ nguồn vốn các dự án đảm bảo ATGT đường sắt nên tương đối hạn hẹp. Vì vậy, để đảm bảo tiến độ, VNR cho phép các đơn vị chủ động lựa chọn thiết bị theo phương án kỹ thuật VNR đưa ra với mức đầu tư hợp lý, được VNR xét duyệt.
Lắp camera giám sát để quản lý, phát hiện hư hỏng
Do vận hành bằng điện nên một loạt các câu hỏi được đặt ra: các thiết bị này có phát huy được hiệu quả như mong muốn? Có ảnh hưởng đến công tác an toàn cũng như lưu thông qua đường ngang khi mất điện, thiết bị vô hiệu? Người tham gia giao thông ý thức kém, cố tình vi phạm, vượt ẩu qua đường sắt thì sao?.... Hai vụ đâm cần chắn trên địa bàn Công ty Thông tin tín hiệu đường sắt Đà Nẵng là ví dụ điển hình. Vừa mới đưa vào vận hành thử nghiệm trong tháng 5, cần chắn tại km 777+610 và km 808+370 đường ngang cảnh báo tự động đã bị xe máy, ô tô đâm hỏng, gãy cần chắn, nhưng đã được khắc phục kịp thời.
Còn Công ty Quản lý đường sắt Thanh Hóa cho biết, việc lắp đặt và vận hành thí điểm cần chắn bán tự động do công ty nghiên cứu, chế tạo tại đường ngang có gác Km 177+634 tuyến đường sắt Bắc - Nam đã phát huy tốt, vừa giảm được cường độ lao động của nhân viên, vừa nâng cao mức độ cảnh giới an toàn đường ngang.
Mặt khác, một vấn đề nảy sinh nữa là việc lắp đặt thiết bị tự động hóa tại các đường ngang liệu có làm gia tăng chi phí cho công tác quản lý đường ngang do phải sửa chữa, bảo trì thiết bị, nhất là khi bị phương tiện đường bộ va chạm, gây hỏng như các vụ việc trên? Trước vấn đề này, ông Đới Sỹ Hưng khẳng định: “Chúng tôi cũng đã lường trước những sự cố có thể xảy ra để có phương án dự phòng cũng như xác định rõ chi phí sẽ tăng. Tuy nhiên, không thể vì thế mà không làm, nhất là khi việc đó nhằm tăng cường bảo đảm an toàn tại các đường ngang.”
Tại các đường ngang cảnh báo tự động, VNR sẽ lắp đặt camera giám sát để quản lý, phát hiện hư hỏng hoặc phát hiện hành vi phá hoại để xử lý kịp thời cũng như làm cơ sở để xử phạt các đối tượng vi phạm.
Nguồn: Báo giao thông