http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 23/07/2010

Tổng hợp thông tin báo chí về Ngành GTVT thứ Năm ngày 13/5/2010

Báo Tiền phong, Tin tức online (13/5) có bài “Hàng ngàn lái xe có nguy cơ mất việc” cho biết: Còn hơn 1 tháng nữa, quy định bắt buộc tài xế lái ôtô đầu kéo sơmi rơmooc (SR) phải có bằng FC chính thức có hiệu lực, trong khi đến nay mới chỉ có khoảng 30% số  lái xe được chuyển đổi. Hàng nghìn tài xế loại xe này đang có nguy cơ mất việc.

Theo Luật GTĐB, từ ngày 1-7-2009, lái xe điều khiển xe SR phải nâng Giấy phép lái xe (GPLX) từ loại C lên loại FC. Sau đó, căn cứ vào kiến nghị của các hiệp hội, DNVT có sử dụng loại phương tiện trên, Bộ GTVT đã chấp thuận cho kéo dài lộ trình thi hành quy định trên thêm 1 năm, đến ngày 1-7-2010 để các trường đào tạo nghề lái xe có đủ thời gian đầu tư và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho việc đào tạo lái xe đổi GPLX từ loại C lên hạng FC. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các DNVT hàng hóa, lái xe tại các tỉnh Hải Phòng, Đà Nẵng và TPHCM đang  ngồi trên lửa. Lý do, số lái xe đã có GPLX loại C được qua đào tạo và cấp GPLX loại FC mới chỉ đạt khoảng 30% trong tổng số hơn 10.000 lái xe đang hành nghề điều khiển loại phương tiện này. Theo ông Phạm Trọng Thịnh, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hải Phòng: Lý do khiến 70% số lái xe còn lại đến nay chưa có GPLX loại FC là khi lái xe đi xin đăng ký học nâng cấp bị các trường đào tạo từ chối. Họ không được tham gia học tập để thi nâng cấp bằng vì chưa có đủ thâm niên lái loại xe này như quy định. Việc quy định phải có thâm niên lái xe từ 2 năm trở lên mới được tham gia đào tạo để nâng cấp từ bằng lái xe loại C lên loại FC là chưa thỏa đáng, làm khó cho người lao động. Chỉ nên ghi nhận thâm niên như yếu tố để xem xét ưu đãi, không nên sử dụng như “barie”. Các hiệp hội Vận tải của TPHCM, Đà Nẵng và Hải Phòng đồng loạt kiến nghị Bộ GTVT kéo dài thời gian quy định bắt buộc phải có bằng FC đối với lái xe SR. Ông Phạm Trọng Thịnh, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hải Phòng nói: Chúng tôi đề nghị Bộ GTVT xem xét bãi bỏ tiêu chuẩn thâm niên nghề nghiệp, kéo dài lộ trình đào tạo GPLX loại FC đến ngày 1-7-2011. Ngày 6-5-2010, Tổng cục ĐBVN trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM rằng: Kiến nghị như trên là không thể thực hiện được. Đề nghị hiệp hội hướng dẫn các doanh nghiệp vận tải và người lái xe có nhu cầu cần nâng hạng GPLX trước ngày 1-7-2010. 

Báo An ninh Thủ đô (13/5) có bài “Sớm trình phương án tối ưu về sân bay Quốc tế tại Hải Phòng: Dự phòng cho sân bay Nội Bài”, cho biết: Phó TTg Hoàng Trung Hải giao Bộ GTVT sớm trình phương án tối ưu XD sân bay quốc tế mới tại Tiên Lãng, Hải Phòng, dự phòng cho Cảng HK quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên, theo Cục HKVN, kế hoạch này đang bộc lộ 1 số nhược điểm lớn, khó đạt hiệu quả và mục tiêu đầu tư. Cụ thể, Sân bay Cát Bi có tĩnh không khai thác hạn chế do quá gần và vướng sân bay quân sự Kiến An (sân bay quân sự chính vùng Đông Bắc), diện tích đền bù đất đai lớn, nằm trong khu đông dân cư dẫn đến chi phí đầu tư XD lớn và thời gian XD kéo dài. TTg Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo thực hiện phương án cải tạo nâng cấp ở mức độ đảm bảo khai thác hợp lý sân bay Cát Bi trong thời gian đầu tư XD mới 1 cảng HKQT trong khu vực. Đến nay, Bộ GTVT đã có đánh giá ban đầu về khả năng đầu tư XD Cảng HKQT Tiên Lãng. Trực tiếp tới thị sát thực địa tại huyện Tiên Lãng – Hải Phòng, Phó TTg Hoàng Trung Hải chỉ đạo, trên cơ sở rà soát, đánh giá toàn diện quy hoạch hệ thống sân bay phía Bắc, từ nay đến cuối năm Bộ GTVT xây dựng và trình phương án tối ưu về địa điểm chi tiết, nguồn vốn, thị trường, GT kết nối… để XD sân bay quốc tế mới phù hợp về quy mô, mục tiêu đáp ứng nhu cầu vận tải HK phía Đông Bắc và dự phòng cho Cảng HK quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Bộ GTVT cũng như địa phương tính toán kỹ về khả năng kết nối giữa các trung tâm đô thị, TP trong vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc bộ, đặc biệt là với đường ôtô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang triển khai; khả năng bố trí nguồn vốn và nhu cầu phát triển của thị trường HKVN trong giai đoạn tới.
Báo Tin tức, VnExpress (13/5) có tin “Vietnam Airlines hợp tác liên danh với Air France trên đường bay giữa Việt Nam và Pháp” cho biết: Vietnam Airlines và Air France vừa ký kết hợp đồng hợp tác liên danh giữa hai hãng, theo đó, kể từ ngày 03/7/2010, ngoài 8 chuyến bay thẳng hàng tuần giữa 2 nước mà Vietnam Airlines hiện đang trực tiếp khai thác, hành khách sẽ có thêm lựa chọn là 6 chuyến bay/tuần từ Hà Nội và TP HCM tới Paris (Pháp) tạm dừng nối chuyến tại Bangkok. Các chuyến bay liên danh này do Air France khai thác bằng máy bay Airbus A340-300, 3 chuyến xuất phát từ Hà Nội vào các ngày thứ Hai, thứ Năm, thứ Bảy và 3 chuyến xuất phát từ TP HCM vào các ngày thứ Tư, thứ Sáu, và Chủ nhật hàng tuần. Từ tháng 11/2010, Air France có kế hoạch mở lại đường bay thẳng giữa TP HCM và Paris với tần suất 3 chuyến/tuần bằng máy bay Boeing 747-400, và sau đó sẽ khai thác bằng máy bay Boeing 777-300ER. Như vậy, với hợp đồng hợp tác liên danh được ký kết, từ tháng 11/2010, Vietnam Airlines sẽ cung cấp sản phẩm bay thẳng tới Paris với tần suất 6 chuyến / tuần từ TP HCM và 5 chuyến / tuần từ Hà Nội. Việc Vietnam Airlines gia nhập SkyTeam vào tháng 06/2010 hứa hẹn sẽ tăng cường hợn nữa quan hệ hợp tác giữa hai hãng trên mọi lĩnh vực.
Báo VnExpress (13/5) có tin “Hoàn tất sửa chữa cầu Đuống trước đại lễ 1000 năm” cho biết: TCty đường sắt, đơn vị quản lý cầu Đuống (Hà Nội) đã quyết định đầu tư hơn 10 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp các hạng mục của cây cầu đang xuống cấp nghiêm trọng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng, TCty Đường sắt cho biết, đơn vị đã lựa chọn nhà thầu thực hiện DA sửa chữa cầu Đuống là Cty quản lý Đường sắt Thanh Hóa. Với mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng, nhà thầu sẽ sửa chữa, nâng cấp các hạng mục như: thay các bản bê tông, sửa chữa dầm ngang, dọc ở bên dưới cầu, thảm lại mặt và hệ thống đường dẫn hai đầu cầu... Hiện Cty Hà Hải được giao nhiệm vụ tổ chức, phân luồng giao thông trên cầu, chỉ chờ Bộ Quốc phòng lắp cầu phao qua sông Đuống là sẽ sửa chữa ngay. Dự kiến thời gian sửa trong 2 tháng.