http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 22/12/2015

VIỆT NAM - HÀN QUỐC ĐẨY MẠNH HỢP TÁC PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG SẮT

VIỆT NAM - HÀN QUỐC ĐẨY MẠNH HỢP TÁC PHÁT TRIỂN ĐƯỜNG SẮT
hop-tac
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đối với giao thông vận tải Việt Nam

Tại Hà Nội, Cục Đường sắt Việt Nam vừa phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Viện nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc (KRRI) tổ chức Hội thảo: “Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đối với giao thông vận tải Việt Nam.

Trong lĩnh vực đường sắt, Việt Nam đã nhận được nhiều hỗ trợ từ phía Hàn Quốc, có thể kể đến một số hoạt động như: tài trợ vốn ODA không hoàn lại cho dự án hỗ trợ kỹ thuật lập nghiên cứu khả thi xây dựng mới đường sắt đôi điện khí hóa trên tuyến đường sắt Bắc – Nam cho đoạn Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh và đoạn Hà Nội – Vinh; nghiên cứu khả thi đường sắt kết nối từ Viêng Chăn (Lào) tới cảng Vũng Áng (Việt Nam).Thứ trưởng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc đã phát triển mạnh trong hơn 20 năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực GTVT. Từ năm 1996, Hàn Quốc đã tài trợ khoảng 24 triệu USD để Việt Nam thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL18. Sau đó, từ 2007 đến nay, Việt Nam và Hàn Quốc đã hợp tác hoàn thành 3 dự án với tổng giá trị 166 triệu USD; 6 dự án đang triển khai với tổng giá trị hơn 818 triệu USD và 6 dự án đang đề xuất với Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) với tổng giá trị 1.117 triệu USD.

Thứ trưởng Đông cũng khẳng định các ý kiến đóng góp tại hội thảo này sẽ là một trong những nguồn tham khảo quan trọng giúp Bộ GTVT trong việc xem xét, hoạch định hướng phát triển lĩnh vực đường sắt Việt Nam.

Theo định hướng phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, lĩnh vực đường sắt sẽ được tập trung nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện có, nghiên cứu các phương án khả thi để xây dựng đường sắt mới tiêu chuẩn khổ 1.435mm trên trục Bắc – Nam; các tuyến đường sắt kết nối các vùng và quốc tế.

Đường sắt đô thị sẽ được tiếp tục phát triển hợp lý giao thông đô thị và vận tải công cộng, hoàn thành từ 2 – 3 tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Sau năm 2020, Việt Nam triển khai xây dựng một số đoạn trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Nhu cầu vốn cho đường sắt ước tính khoảng từ 7 đến 9 tỷ USD.

hop-tac-duong-sat
Hội thảo nhận được nhiều sự quan tâm của các chuyên gia đường sắt đến từ Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Tổ chức KOICA và KRRI của Hàn Quốc

Theo ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng Kế hoạch và Đầu tư (Cục Đường sắt Việt Nam), với nhu cầu lớn để phát triển đường sắt, cần có cơ chế đặc thù để huy động tối da nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước như vốn ODA, vốn ưu đãi của Chính phủ các nước, trái phiếu Chính phủ... Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành cơ chế xã hội hóa để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt; đẩy mạnh xã hội hóa kinh doanh vận tải đường sắt, hỗ trợ dịch vụ vận tải...

Hội thảo nhận được nhiều bài phát biểu tham luận của các chuyên gia trong lĩnh vực đường sắt đến từ tổ chức KOICA, KRRI, Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, Trường cao đẳng nghề đường sắt...

Viet-nam---han-quoc-day-mah
Giáo sư Moon Dae Seop phát biểu tại hội thảo

Theo Giáo sư Moon Dae Seop đến từ Viện nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc, việc xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh theo hình thức tàu điện cao tốc đôi có khổ tiêu chuẩn 1.435 mm sẽ đóng góp  rất lớn vào khả năng cạnh tranh của đường sắt. Với tốc độ khoảng 200km/h, thời gian hành trình từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh sẽ chỉ còn khoảng gần 9 tiếng; đoạn Nha Trang – TP. Hồ Chí Minh sẽ chỉ còn khoảng 2 tiếng và đoạn Hà Nội  - Vinh chỉ còn khoảng gần 2 tiếng. Việc này sẽ tăng lưu lượng vận chuyển, thúc đẩy được phát triển kinh tế - xã hội.

Còn ông Lee Yong Wood, Tham tán Xây dựng đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội khẳng định sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa trong đào tạo nhân lực, kinh nghiệm phát triển đường sắt cho Việt Nam.

Nguồn: Thiện Anh, Báo Giao thông