http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 02/07/2015

Khoanh vùng "thủ phạm" gây hằn lún để khắc phục

Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông tại Hội nghị sáng 30/6 tại Bộ GTVT về khắc phục hằn lún.

 

Tổ đặc nhiệm chống hằn lún vệt bánh xe của Bộ GTVT kiểm tra, tìm nguyên nhân hằn lún trên

tuyến QL1 đoạn Nam TP Thanh Hóa 

Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm khắc phục tình trạng hằn lún vệt bánh xe diễn ra hôm qua (30/6), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ GTVT luôn lắng nghe tất cả các ý kiến đóng góp để nâng cao công tác quản lý chất lượng, tìm ra các giải pháp kỹ thuật để đảm bảo chất lượng công trình.

Khoanh vùng “thủ phạm” gây hằn lún

Mở đầu hội nghị, ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT)- Tổ phó Tổ đặc nhiệm chống hằn lún vệt bánh xe (HLVBX) của Bộ GTVT cho biết, từ ngày 10-14/6, Tổ đặc nhiệm đã tổ chức ba đợt kiểm tra tại các dự án mở rộng QL1, qua các tỉnh miền Trung vào đúng đợt nắng nóng. Kết quả cho thấy, trong môi trường nhiệt độ không khí trên 40°C, mặt đường bê tộng nhựa có thời điểm hơn 70°C, một số đoạn tuyến thuộc các dự án mở rộng QL1 từ Thanh Hóa đến Quảng Bình đã xuất hiện HLVBX trở lại với chiều sâu hơn 2,5 cm. Hiện tượng HLVBX do một số nguyên nhân như: thời tiết nắng nóng kéo dài, công tác thiết kế, thi công bê tông nhựa chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, một số đoạn tuyến có lưu lượng lớn xe quá tải…

“Các dự án có xuất hiện HLVBX đã không tuân thủ các quy định về việc tập trung ít nhất 70% khối lượng vật liệu trước khi thí nghiệm, thiết kế cấp phối và rải thử bê tông nhựa trước khi thi công đại trà. Điều này dẫn đến tình trạng chỉ tiến hành thử nghiệm, thiết kế cấp phối bê tông nhựa cho một mỏ vật liệu, nhưng khi thi công đại trà lại dùng vật liệu ở nhiều mỏ cung cấp khác, có thành phần hạt và tỷ lệ hạt hoàn toàn khác loại vật liệu đã được thí nghiệm”, ông Hà chỉ ra nguyên nhân.

Để khắc phục tình trạng này, Vụ trưởng Vụ KHCN đề xuất bổ sung thêm các giải pháp mới bên cạnh những giải pháp đã áp dụng như: tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu, quy định về quản lý chất lượng các hạng mục bê tông nhựa, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất các yêu cầu chất lượng của tất cả các khâu từ vật liệu đầu vào, thiết kế hỗn hợp, sản xuất hỗn hợp và thi công nghiệm thu bê tông nhựa...

Ông Nguyễn Viết Hải, Tổng giám đốc Tập đoàn Sơn Hải chia sẻ, ở các tỉnh miền Trung khí hậu khắc nghiệt, nhiệt độ cao, do hấp thụ nhiệt lớn dẫn tới mặt đường bị yếu, kết hợp với xe tải trọng lớn lưu thông là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng HLVBX. “Để triệt tiêu các nguyên nhân này, mấu chốt là phải đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế để mặt đường chịu được nhiệt độ cao. Cụ thể, khi kết thúc dây chuyền lu phải đạt được độ chặt trên mức K98, độ bền marshall, độ dẻo, độ rỗng dư và các lực khác đạt tiêu chuẩn thiết kế với nhiệt độ trên 85°C. Với các chỉ số nêu trên, kết cấu mặt đường của chúng tôi sẽ chỉ bị phá hỏng nếu nhiệt độ cao hơn 85°C”, ông Hải nói.

"Sắp tới sẽ tiến hành rà soát, đánh giá các chủ thể thông qua việc kiểm soát hằn lún nhằm cập nhật và công bố lại để từ đó đưa ra các chế tài xử lý. Những đơn vị làm kém, làm có tính chất chủ quan khiến đường hư hỏng nhanh, Bộ GTVT sẽ xem xét không cho tham gia ở các dự án tiếp theo, kể cả là đơn vị quản lý hay đơn vị thi công”.

Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Ngọc Đông

Để chống hằn lún, ông Hải chia sẻ kinh nghiệm: “Dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, chúng tôi tìm mọi cách để mua được các mỏ đá nên chủ động sản xuất được nguồn vật liệu đồng đều. Với QL1, chúng tôi cũng phải mua đá về để tự gia công nhằm kiểm soát tốt nguồn vật liệu đầu vào. Trong quá trình thi công, nhiều hạng mục có thể khoán được, nhưng sẽ không khoán lu và thảm bê tông nhựa. Bởi nếu khoán hai công đoạn này, kiểu gì nhà thầu cũng vì lợi nhuận mà làm ảnh hưởng đến chất lượng”.


 

 

Hiện tượng hằn lún vệt bánh xe xuất hiện cục bộ trên một số đoạn tuyến QL1 qua các tỉnh Bắc Miền Trung sau những ngày dài nắng nóng

Làm kém sẽ bị cấm cửa

Dưới góc nhìn của một chuyên gia đầu ngành, GS.TS. Dương Học Hải cho biết, về mặt kỹ thuật, trên một tuyến đường dài như QL1, lưu lượng xe của các đoạn là khác nhau nên không thể áp dụng chung một loại vật liệu cho tất cả các dự án trên tuyến. “Nhiều đoạn có mật độ xe rất lớn, thời tiết lại khắc nghiệt,… nhưng vẫn chỉ áp dụng loại nhựa 60/70 là chưa hợp lý. “Theo tôi, Bộ GTVT cần phải lấy kết quả cụ thể về lưu lượng xe của tất cả các đoạn tuyến trên QL1, từ đó đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp tùy theo mức độ lưu lượng xe, quy mô giao thông, đặc biệt là các chỉ tiêu về vật liệu, kết cấu vật liệu để sử dụng cho từng khu vực khác nhau”, GS. Dương Học Hải nói.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, quan điểm của Bộ GTVT là tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, đánh giá về nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng HLVBX cho từng tuyến đường, ở từng vùng miền để đảm bảo ATGT. “Dù chỉ còn 1m đường hằn lún, chúng ta cũng phải có trách nhiệm nghiên cứu và khắc phục đến cùng nhằm chấn chỉnh kịp thời, tiến tới có biện pháp lâu dài để đưa các tuyến đường vào khai thác một cách bền vững, đảm bảo an toàn và hiệu quả tối đa”, Thứ trưởng Đông cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Đông, gần hai năm qua, Bộ GTVT đã ban hành hàng loạt văn bản quy định về các tiêu chuẩn mới, quy định về quản lý chất lượng nhựa đường, quy định về tăng cường quản lý và sản xuất cốt liệu đá, quy trình lu,… đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng công trình. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đưa ra nhiều giải pháp tăng cường vai trò của các chủ thể tham gia vào dự án, như tiến hành đánh giá năng lực và công bố kết quả hàng năm đối với các Ban QLDA, chủ đầu tư, nhà đầu tư, tư vấn và nhà thầu.

“Mới đây, sau khi nghe đánh giá về kết quả hằn lún mặt đường, Bộ trưởng Đinh La Thăng và lãnh đạo Bộ GTVT thống nhất, sắp tới sẽ tiến hành rà soát, đánh giá các chủ thể thông qua việc kiểm soát hằn lún nhằm cập nhật và công bố lại, từ đó đưa ra các chế tài xử lý. Những đơn vị làm kém, làm có tính chất chủ quan khiến đường hư hỏng nhanh, Bộ GTVT sẽ xem xét không cho tham gia ở các dự án tiếp theo, kể cả là đơn vị quản lý hay đơn vị thi công”, Thứ trưởng Đông nói và cho biết, tới đây Bộ GTVT giao Viện Khoa học công nghệ GTVT trong năm 2015 phải nghiên cứu và đưa ra được các loại kết cấu phù hợp với từng vùng miền ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe với các phương thức đồng bộ hơn để khắc phục và hạn chế tình trạng HLVBX. 

 

 Nguồn: Báo Giao thông