http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 13/12/2012

Năm 2012, tai nạn giao thông Đường sắt giảm cả 3 tiêu chí


Năm 2012, tai nạn giao thông đường sắt đã có sự chuyển biến tích cực, giảm cả 3 tiêu chí. Số vụ giảm 11%, số người chết giảm hơn 20%, số người bị thương giảm 10%. Ông Phạm Văn Bình - Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt đã trả lời phỏng vấn của Báo GTVT xung quanh những giải pháp kiềm chế giảm thiểu TNGTĐS.

Ông Phạm Văn Bình
Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Trung tâm ứng phó
sự cố thiên tai và cứu nạn Đường sắt

PV: Chúng tôi được biết, năm 2012, với nhiều nhóm giải pháp đồng bộ, trật tự an toàn giao thông đường sắt đã có nhiều chuyển biến, ông có thể cho biết những giải pháp cụ thể?

Ông Phạm Văn Bình:  Năm 2012, ĐSVN đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có Nghị quyết 88 của Chính phủ. Năm 2012 còn là năm ATGTQG, nên đã có sự đồng thuận, vào cuộc tích cực của ĐSVN cũng như các Bộ, ngành. Chính vì vậy, tai nạn GTĐS đã giảm ở cả 3 tiêu chí.

Tính đến ngày 10/12/2012 TNGĐS đã giảm đồng bộ ở cả  về số vụ, số người chết, số người bị thương so với cùng kỳ năm 2011.

Cụ thể năm 2012 đã xảy ra 453 vụ TNGĐS làm 196 người chết, 313 người bị thương, so với cùng kỳ của năm 2011 giảm 11% về số vụ, hơn 20% về số người chết, số người bị thương giảm hơn 10%. Trong đó tai nạn đặc biệt nghiêm trọng giảm 50%, tai nạn nghiêm trọng giảm 18,8%, tai nạn do chủ quan giảm tới 21,1%.

PV: Ông có thể cho biết các giải pháp mà Tổng công ty ĐSVN đã thực hiện, đặc biệt là việc giảm thiểu TNGTĐS ở các đường ngang dân sinh bất hợp pháp?

Ông Phạm Văn Bình: Có thể nói, TNGTĐS đã được kiềm chế, nhưng để giảm thiểu bền vững, còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các cấp các ngành, không chỉ của  riêng Tổng công ty ĐSVN. Năm qua, TNGTĐS xảy ra do khách quan chiếm tới 98,5%, tai nạn xảy ra tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp chiếm trên 89,5%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt.

1
Tai nạn xảy ra tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp chiếm trên 89,5%

Một trong những giải pháp mà Tổng công ty ĐSVN thực hiện trong thời gian gần đây là, tập trung cho công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân chấp hành Luật giao thông đường sắt.

Các công ty quản lý đường sắt đã có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đảm bảo an toàn GTVTĐS. Trong đó đã nâng cấp, tu bổ lại các đường ngang đảm bảo mặt đường êm thuận. Cụ thể đã sửa chữa, nâng cấp được trên 200 đường ngang, xoá bỏ được gần 100 đường ngang bất hợp pháp, tổ chức cảnh giới ở nhiều đường ngang, điểm đen có nguy cơ xảy ra tai nạn.

Đặc biệt hưởng ứng Năm An toàn giao thông Quốc gia - 2012, các địa phương đã thực sự vào cuộc cùng với Đường sắt. Công tác tuyên truyền giáo dục được làm đồng bộ với nhiều hình thức phong phú, thiết thực nên ý thức của người tham gia giao thông dần tốt hơn.

Trong năm đã tổ chức được 11 lớp tập huấn cho những người làm công tác trực tiếp liên quan đến an toàn chạy tàu với gần 2000 người. Đoàn thanh niên ĐSVN đã phối hợp với các địa phương tổ chức các hội nghị thiếu nhi bảo vệ an toàn đường sắt...

Cùng với đó các vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ đã được cải tạo đảm bảo êm thuận, đầy đủ tín hiệu cảnh báo, một số "điểm đen" nguy hiểm đã có người chốt gác... Với nhiều giải pháp trên đã giúp TNGĐS được  kiềm chế và giảm thiểu.

PV: Chúng tôi được biết, năm 2012, ĐSVN đã thành lập Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt, ông có thể cho biết hoạt động của Trung tâm này, những thuận lợi và khó khăn?

Ông Phạm Văn Bình: Thời gian qua, ĐSVN đã tích cực thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa, hạn chế TNGTĐS. Tích cực triển khai các công trình, dự án có liên quan đến công tác đảm bảo ATGTĐS theo Kế hoạch 1856/QĐ-TTg của Chính phủ; huy động nhiều nguồn vốn khác nhau như tài trợ từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đầu tư xây dựng hàng rào hộ lan, đường gom... Trong 3 năm từ 2010 đến nay Hiệp hội Bảo hiểm đã hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng để  cải tạo, xóa bỏ hơn 100 điểm đen, đặc biệt là ở các tỉnh như Hà Nam, Khánh Hòa, nơi thường xảy ra TNGTĐS.

Công trình đảm bảo ATGT đường sắt.
Công trình đảm bảo ATGT đường sắt.

ĐSVN đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội, các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật đảm bảo ATGTĐS. Đã phối hợp với các địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật nhằm bảo vệ hành lang ATGTĐS, ngăn chặn nạn mở đường ngang trái phép, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; quản lý và giáo dục đội ngũ CBCNV làn công tác chạy tàu, không ngừng nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy trình quy phạm, đảm bảo tốt nhất công tác an toàn chạy tàu.

Tuy nhiên, do kinh phí tuyên truyền có hạn, nên việc tuyên truyền ATGTĐS vẫn còn nhiều bất cập. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và mong UBATGTQG bố trí gúp đỡ kinh phí cho công tác tuyên truyền ATGTĐS, bởi không ai khác, ĐSVN hiểu tai nạn giao thông đường sắt do đâu và phải bắt đầu làm từ đâu. Sự phối hợp chưa hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp trong công tác tuyên truyền ATGTĐS cũng cần được chấn chỉnh.

Việc thành lập Trung tâm ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt là vô cùng cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, sau 4 tháng đi vào hoạt động Trung tâm vẫn gặp nhiều khó khăn, do chưa có kinh phí hoạt động. Trong số 7 cẩn cầu cứu viện hiện có, 5 cái đầu tư trước năm 1975, tải trọng nhỏ, nhưng đầu tư đòi hỏi kinh phí lớn, đây cũng là một trong những khó khăn của Trung tâm. Chúng tôi rất mong các bộ ngành, địa phương tạo điều kiền, phối hợp để giúp ĐSVN từng bước kéo giảm TNGTĐS, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu.

PV: Xin cảm ơn ông.

Theo Báo GTVT