http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 20/11/2015

Sửa luật "đón đầu" tuyến đường sắt tốc độ cao

Sửa luật

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga vừa đề xuất Ban cán sự đảng Bộ sửa đổi, bổ sung 8 nội dung vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).

1c
Sẽ bổ sung quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt vào Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).

Ưu đãi đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt

Báo cáo Ban cán sự, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga đề xuất bổ sung 1 Điều quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt, trong đó có nội dung quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư để làm rõ nội hàm quản lý nhà nước, đồng thời thống nhất với các luật giao thông vận tải chuyên ngành khác.

Liên quan đến chính sách phát triển đường sắt, để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực đường sắt trong khi Luật Đầu tư 2014 chưa quy định cụ thể về việc ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với lĩnh vực đường sắt, bà Nga cũng đề xuất bổ sung các nội dung chính quy định rõ việc kinh doanh, các dự án kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, công nghiệp đường sắt thuộc thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư đồng thời quy định các hình thức hỗ trợ đầu tư, các thủ tục đầu tư thuận lợi và thẩm quyền quyết định đầu tư cụ thể từ cấp trung ương đến địa phương

Một trong những nội dung quan trọng khác được bà Nga đề nghị bổ sung là quy định cho phép kết nối đường sắt chuyên dùng tại khu gian (không nhất thiết phải kết nối tại ga) vì Luật Đường sắt 2005 chỉ cho phép kết nối các tuyến đường sắt tại các ga.

Quy định này phù hợp với hệ thống đường sắt quốc gia, có mạng đường sắt lớn, địa bàn hoạt động rộng. Tuy nhiên, đối với đường sắt chuyên dùng, với mạng đường sắt nhỏ, địa bàn hoạt động hẹp, việc kết nối các tuyến đường sắt tại khu gian ở một số khu vực là phù hợp và có nhiều ưu điểm về khai thác chân hàng, tiết kiệm chi phí đầu tư xây dựng đường sắt.

Sẽ quy định niên hạn sử dụng tàu hỏa

Một trong những điểm đáng chú ý trong những nội dung được Vụ trưởng Trịnh Thị Hằng Nga đề xuất bổ sung vào Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) là quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt.

“Theo Báo cáo đề xuất xây dựng quy định về niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt của Cục Đăng kiểm Việt Nam, các phương tiện giao thông đường sắt đã khai thác trong thời gian dài (30 – 40 năm) có những nhược điểm sau: thông số an toàn kỹ thuật giảm dẫn đến tăng nguy cơ tai nạn, sự cố, tiêu tốn nhiên liệu, độ phát thải cao ảnh hưởng đến môi trường, cộng nghệ lạc hậu, hiệu quả kinh tế thấp dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh với các phương tiện giao thông khác”, bà Nga nói và cho biết thêm, hiện nay, tại Việt Nam các loại phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa đều có quy định về niên hạn sử dụng để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác sử dụng phương tiện giao thông, dần loại bỏ các phương tiện cũ, gây mất an toàn giao thông đường sắt.

Những quy định liên quan đến đường sắt tốc độ cao như khái niệm, quy hoạch và đầu tư phát triển, những yêu cầu cơ bản khi xây dựng kết cấu hạ tầng; phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn; tín hiệu đường sắt; phương tiện giao thông đường sắt; nhân viên đường sắt phục vụ chạy tàu; Biểu đồ chạy tàu… cũng được đề xuất bổ sung vào Dự thảo Luật.

Thực tế, Luật Đường sắt 2005 chưa có quy định về đường sắt tốc độ cao. Tuy nhiên, theo Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 phải nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435 milimet, điện khí hóa trục Bắc – Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. “Để tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho việc triển khai Chiến lược trên, cần quy định các nội dung về đường sắt tốc độ cao”, bà Nga khẳng định.

2 nội dung cuối cùng được đề xuất bổ sung vào Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi liên quan đến phí, giá trong hoạt động đường sắt và những quy định về đường sắt đô thị.

Cơ bản đồng tình với những nội dung đề xuất trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ lưu ý Vụ Pháp chế cần nghiên cứu kỹ những quy định liên quan đến phí, giá trong hoạt động đường sắt sao cho thuận cho quản lý nhưng phải phù hợp với thực tiễn.

Nguồn: Báo Giao thông