Sáng ngày1/1/2013, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã kiểm tra tiến độ thi công, chất lượng công trình Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. Cùng đi có Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Văn phòng Bộ, các Vụ chức năng, Tổng thầu EPC, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, cùng UBND các quận có tuyến đường sắt đi qua…
Thúc tiến độ
Từ sáng sớm, Bộ trưởng đã đi thị sát các điểm còn vướng mắc trong khâu GPMB, khó khăn, phức tạp thi công… Trên toàn tuyến 13,5km hiện nay còn nhiều điểm vướng trong khâu GPMB gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công dự án như điểm đầu ga Cát Linh, đoạn trước và sau ga Láng, cột điện cao thế 110KV tại khu vực hồ Hoàng Cầu... Dọc tuyến đường sắt trên cao nằm trên QL 6 từ Ngã Tư Sở đến Ba La thuộc quận Hà Đông, Bộ trưởng đã kiểm tra tiến độ thi công các trụ cầu, công tác bảo đảm ATGT của các nhà thầu, công tác hoàn trả mặt bằng các trụ đã hoàn thành, di chuyển đường điện cao thế 220KV, 110KV, 22KV; đặc biệt là phương án thi công tại các điểm phức tạp giao với đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), điểm giáp sông Nhuệ (quận Hà Đông).
|
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường sắt phải thực hiện các phương án thi công bù đắp tiến độ đã bị chậm |
Báo cáo với Bộ trưởng, ông Trần Văn Lục - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Đại diện Chủ đầu tư) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của dự án là mới giải phóng được 9,2km/13,5km. Ban Quản lý dự án đã yêu cầu đơn vị thi công ngay khi có mặt bằng sạch là cho máy móc, thiết bị làm ngay. Hiện 14 nhà thầu phụ đang triển khai 16 mũi thi công trên toàn tuyến. Đến Tết âm lịch này, 150 trụ cầu/458 trụ sẽ hoàn thành.
Tuy nhiên theo báo cáo, tiến độ thi công dự án rất chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đại diện Tổng thầu EPC cho biết, theo cam kết với TP Hà Nội đến quý I/2015 sẽ vận hành chính thức tuyến đường sắt trên cao này. Như vậy thời gian rất gấp. Hiện nay chỉ tiến độ thi công trụ cầu đạt tốt. Còn lại đều chậm, nhất là chưa có bãi đúc dầm. Các gói thầu thiết bị, vấn đề đào tạo nhân lực vận hành toàn tuyến cũng cần sớm được triển khai.
Theo đại diện Ban GPMB TP Hà Nội, trong tháng 1 này sẽ có kế hoạch chi tiết tiến độ GPMB tổng thể và dự kiến tháng 3 sẽ hoàn thành. Lãnh đạo UBND quận Hà Đông cho biết, công tác GPMB trên địa bàn cho dự án này được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 giải phóng khu Depot đã xong. Giai đoạn 2 dự kiến GPMB khu nghĩa trang thôn Vân Nội, nhưng hiện đang thiếu kinh phí. UBND quận đã báo cáo và xin phép thành phố cho ứng kinh phí để thực hiện ngay trong dịp Tết này. Vấn đề di chuyển các trụ điện cao thế, hạ ngầm dây điện ra khỏi vị trí thi công cũng được các bên liên quan thống nhất phương án giải quyết, chậm nhất đến tháng 3/2013 phải xong.
Riêng vấn đề vốn, ông Nguyễn Hoằng – Vụ trưởng Vụ KHĐT (Bộ GTVT) cho biết, đã ứng cho dự án khoảng 704 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2013 sẽ ứng tiếp 500 tỷ đồng nữa để đảm bảo thi công.
Sẵn sàng cho vận hành vào quý 1/2015
Theo cam kết với TP Hà Nội, quý I/2015 sẽ vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Thời gian còn rất ngắn, trong khi đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên của Hà Nội được xây dựng và khai thác. Vì vậy vấn đề đào tạo nhân lực vận hành rất quan trọng để bắt kịp với phương tiện giao thông nội đô hiện đại. Tuy nhiên đến nay công tác tuyển dụng, đào tạo vẫn chưa được triển khai. Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cục ĐSVN, Vụ Tổ chức cán bộ lên ngay phương án chọn trường có chất lượng để đào tạo. Trong quý I/2013 phải hoàn thành việc tuyển dụng nhân lực có chất lượng để đưa đi đào tạo bài bản, chuyên nghiệp trên cơ sở có sự thống nhát giữa các bên.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý Dự án đường sắt phải thực hiện các phương án thi công bù đắp tiến độ đã bị chậm, mỗi tháng phải báo cáo Bộ chi tiết tiến độ và có ngay kế hoạch tiến độ chi tiết cho từng giai đoạn, đưa thêm máy móc và nhân lực thi công ngay cả trong dịp Tết này. Tổng thầu EPC đưa thêm những kỹ sư có kinh nghiệm cùng tham gia giám sát, thi công. “Đây là một dự án quan trọng của Hà Nội, có ý nghĩa rất lớn đối với giao thông Thủ đô, vì vậy cần đảm bảo đúng tiến độ như đã hứa với HĐND, lãnh đạo thành phố. Nếu chỉ có quyết tâm thôi chưa đủ, cần có những hành động cụ thể, phối hợp chặt chẽ giữa các bên tham gia dự án” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các Sở, ngành liên quan của TP Hà Nội cùng phối hợp với chủ đầu tư trong việc giải quyết các vướng mắc liên quan đến GPMB, vệ sinh môi trường, đảm bảo ATGT trong quá trình thi công dự án.
Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, ngay trong buổi chiều cùng ngày, Cục ĐSVN và các đơn vị liên quan đã tổ chức buổi họp để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo đúng tiến độ đã đề ra.
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,5km với 12 nhà ga từ Cát Linh đến bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông), tốc độ tối đa 80km/giờ; thời gian tàu chạy từ Cát Linh đến Hà Đông (và ngược lại) là 23,62 phút; lưu lượng vận chuyển tối đa 57.000 người/giờ tương đương với 1.020.000 người/ngày. Dự án được khởi công vào tháng 10/2011.
Dự án có tổng mức đầu tư là 8.770 tỷ đồng tương đương 553 triệu USD, trong đó, vay từ nguồn vốn nước ngoài là 419 triệu USD còn lại là nguồn vốn đối ứng của Chính phủ. Chủ đầu tư là Cục ĐSVN, Ban Quản lý Dự án đường sắt là đại diện Chủ đầu tư. Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc - đơn vị tổng thầu thi công tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (EPC)
Theo Báo GTVT