http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 03/07/2015

Ly kỳ tìm “diệt” mùi tàu hỏa

Ly kỳ tìm “diệt” mùi tàu hỏa

Nhiều năm nay, “mùi tàu” không chỉ khiến hành khách khó chịu mà còn là “bài toán khó” khiến các chuyên gia ngành Đường sắt lao tâm khổ tứ. Nhưng mới đây, bài toán này đã tìm được lời giải.

Truy tìm thủ phạm gây mùi

Anh Nguyễn Mạnh Hoàn, nhà ở phố Ao Sen, Hà Đông, Hà Nội than thở nhiều lần đi tàu từ Hà Nội vào Bình Định, cảm thấy rất mệt mỏi do phải chịu đựng mùi tàu đặc trưng, thậm chí mùi này còn ám vào quần áo một thời gian khá lâu. Từ toa giường nằm đến toa hàng ăn đều có mùi rất khó chịu.

“Nhưng cái mùi khó chịu hơn cả là toa ghế ngồi. Có lần tôi đi qua toa ghế ngồi, có cảm giác buồn nôn do đủ thứ mùi trộn lẫn với nhau. Hành khách tại các toa này thường mua đồ ăn tại chỗ, cộng thêm mùi mồ hôi, trong khi toa tàu lại kín nên mùi không thoát ra được”, anh Hoàn nói.

Nói về nguyên nhân của vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội lý giải, sở dĩ tàu hỏa có mùi rất đặc trưng do thời gian hành trình dài (khoảng từ 12 đến 30 tiếng) nên mùi cơ thể hành khách, mùi thức ăn, mùi hành lý, thuốc lá... trộn lẫn. Trong khi đó, tàu hỏa với đặc thù là phương tiện chuyên chở lớn (khoảng 400 - 500 hành khách/đoàn tàu), nên mùi tàu vừa đặc trưng mà cũng rất phong phú, chưa kể có sự “đóng góp” của lực lượng... hút thuốc lá. Mặc dù ngành Đường sắt đã thiết kế vị trí riêng trên toa xe cho những hành khách hút thuốc lá và gắn các biển “Cấm hút thuốc” trong toa xe, tuy nhiên một số hành khách không có ý thức vẫn phớt lờ quy định này. Rồi có thể kể tới các mùi khó chịu từ chính hành khách trong suốt hành trình dài; mùi đồ ăn tỏa ra khi nhân viên trên tàu đi bán thức ăn, đồ uống; mùi đồ ăn do hành khách mang lên tàu (đặc biệt là mùi nước mắm, mùi sầu riêng...).

Một tác nhân khác là rác được thải trong suốt hành trình. Phần lớn được thu gom vào bao chuyên dùng và chuyển xuống các ga (Hà Nội, Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Diêu Trì, Nha Trang, Sài Gòn).

“Chúng tôi thống kê có khoảng gần 400 kg rác thải trên đoàn tàu SE3/4 thải ra trong mỗi hành trình. Những tác nhân này cùng lúc trộn lẫn với nhau tạo ra mùi rất khó chịu, khó xử lý, gây nhiều phiền toái cho hành khách”, ông Thắng cho biết thêm.

Chế phẩm enchoice đã giúp khử mùi tàu hiệu quả

Đã khử được “mùi tàu”

Cách đây ít ngày, PV Báo Giao thông có cơ hội đi thực tế trên chuyến tàu SE3 và cảm nhận mùi tàu hỏa đã không còn. Nhiều hành khách trên chuyến đi đều có chung cảm giác như vậy. Anh Đoàn Mạnh Hùng, quê Nam Định cho biết: “Đi tàu hỏa trong thời gian này tôi không cảm thấy khó chịu vì mùi tàu hỏa như trước nữa”.

Chị Đào Thị Phương Đông, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Hà Nội cũng chung cảm nhận: “Tàu rất sạch sẽ, không còn mùi hôi hám như trước. Đi tàu giờ không khác máy bay là mấy”.

Thực tế, việc khử mùi tàu đã được ngành Đường sắt “ra tay” từ nhiều năm qua. Các xí nghiệp quản lý toa xe khách thường sử dụng một loại nước xịt thơm để “đánh bại” mùi hôi. Tuy nhiên, nhiều hành khách cho biết rất sợ cái mùi từ nước xịt thơm này, nhiều khi chính nước xịt thơm trộn với mùi tàu lại gây khó chịu thêm.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Quốc Cường, Trưởng phòng KHCN & MT (Cục Đường sắt Việt Nam) cho biết, đơn vị này đã chủ động bám sát tình hình, phối hợp với Vụ Môi trường, Cục Y tế và các đơn vị liên quan để cùng Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) tìm cách xử lý “mùi tàu” trên các toa xe khách khép kín điều hòa. Bên cạnh việc yêu cầu VNR chủ động thực hiện nghiêm túc việc đánh giá và kiểm soát chất lượng vệ sinh toa xe theo tiêu chuẩn 6 sạch, bổ sung, thay thế thiết bị thu gom và tập kết rác thải trên toa xe, tại nhà ga; quy trình tác nghiệp vệ sinh của nhân viên trên đoàn tàu khách; công tác tuyên truyền ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường), Cục Đường sắt Việt Nam cũng chuyển giao kết quả đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để khử mùi tàu trong các toa xe khách lắp đặt điều hòa không khí”.

Ông Phạm Quốc Cường cho chúng tôi xem một tập nghiên cứu đề tài về xử lý mùi tàu và cho biết đây là chuyện không mới, nhưng hiệu quả là cơ bản giải quyết được mùi tàu đã tồn tại nhiều năm.

“Do đặc thù là phương tiện vận chuyển hành khách với số lượng lớn, hành trình dài, vì vậy trong các toa xe có lắp hệ thống điều hòa không khí tạo nên mùi đặc trưng thường gọi là “mùi tàu”. Các mùi này phát sinh một phần do trang thiết bị nội thất toa xe được đóng mới, sửa chữa hoán cải gây ra, một phần do hành khách lên tàu mang theo hành lý, đồ ăn, vệ sinh trên toa xe gây ra. Đặc biệt, mùi của cơ thể hành khách lưu lại trên các trang thiết bị toa xe”, ông Cường cho biết.

Trước kia, việc xử lý rất thụ động, các đoàn tàu chỉ được xử lý mùi bằng cách xịt hóa chất tạo mùi thơm, nhất là đối với các toa có lắp điều hòa không khí. Nhưng dở một cái là một số người lại “dị ứng” thuốc xịt thơm này, chưa kể mùi này có độc tố.

Từ năm 2013, Cục Đường sắt Việt Nam được Bộ GTVT giao chủ trì và Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội thực hiện Đề tài ứng dụng khoa học công nghệ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh để khử mùi tàu trong các toa xe khách lắp đặt điều hòa không khí”.

Sau nhiều nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đề tài quyết định sử dụng chế phẩm sinh học enchoice đã được Bộ Y tế Hoa Kỳ xác nhận không gây độc hại. Về cơ chế hoạt động của chế phẩm Enchoice, khi phun chế phẩm vào không khí dưới dạng sương, ngay lập tức nó sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng hóa học bẻ gãy các phân tử gây mùi. Vì vậy, trước khi tàu chạy khoảng 30 phút, chế phẩm được nhân viên đường sắt phun để làm sạch mùi trên toa xe. Trong quá trình tàu đang chạy cũng có thể phun chế phẩm này mà không gây độc hại cho hành khách.

Trong thời gian ngắn nữa khi quy trình ổn định, ông Phạm Quốc Cường cho biết sẽ nghiên cứu cách làm mới khi sử dụng chế phẩm này, có thể thay phương pháp sử dụng bình xịt bằng phương pháp phun chế phẩm enchoice theo hệ thống điều hòa dọc toa tàu. Giải pháp này không gây phiền hà cho hành khách, tiện lợi và giảm được thời gian làm việc của nhân viên trực toa.


Ngoài mùi hôi, còn xử lý được cả mùi sầu riêng

Từ đầu năm 2014, đơn vị đã áp dụng nhiều biện pháp vệ sinh mới với quy trình khép kín. Các nhân viên phải giữ vệ sinh sạch sẽ khu vực phụ trách, phun chế phẩm enchoice trên tất cả các toa xe nửa tiếng trước khi tàu khởi hành. Riêng tàu Thống Nhất, do thời gian di chuyển dài nên được phun thuốc khử mùi ba lần. Ngoài xử lý triệt để mùi hôi, còn xử lý được mùi sầu riêng và các mùi khó trị khác.

Hiện toàn bộ các ram tàu do công ty quản lý đều đã được áp dụng chế phẩm này và cho hiệu quả rất tốt, không còn mùi tàu hỏa nữa.

Ông Huỳnh Cường

Giám đốc Xí nghiệp Vận dụng Toa xe khách Hà Nội

Không dám lên toa hàng ăn

Hè nào cả gia đình tôi cũng đi tàu hỏa từ Hà Nội vào các tỉnh miền Trung để nghỉ mát. Đi tàu thì an toàn, nhưng lại sợ nhất mỗi lần đi vệ sinh và đặc biệt là mùi tàu rất khó chịu - nó hăng hắc, nồng nồng, nhất là mùi nước thơm xịt vào nhà vệ sinh.

Mỗi lần đi là tôi không dám lên toa xe hàng ăn bởi ở đây đủ mùi thức ăn, khói thuốc, mồ hôi trộn lẫn... Nay đi tàu đã dễ chịu hơn, không còn thấy mùi tàu “truyền thống” nữa.

Chị Nguyễn Thị Nhung

nhà ở khu An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội

T.A

 

 Nguồn: Báo Giao thông