Bất cập cơ sở hạ tầng
Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Đoàn Duy Hoạch cho biết, năm 2015, TNGT đường sắt tăng cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so năm 2014. Dù các cơ quan chức năng đã cố gắng thực hiện rất nhiều giải pháp nhưng TNGT đường sắt vẫn tăng do ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, có quá nhiều đường ngang dân sinh, đường gom, hàng rào hộ lan giữa đường sắt và đường bộ chạy song song liền kề; hàng rào bảo vệ hành lang an toàn đường sắt chưa được đầu tư và xây dựng kịp thời trong khi đường sắt chạy qua nhiều khu dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp. Hơn nữa, nhiều địa phương cũng đang lúng túng trong cách xử lý các vi phạm hành lang an toàn đường sắt do hình thức phạt không có tính răn đe cao dẫn đến việc tại nhiều đường ngang dù có biển báo, người gác, rào chắn nhưng người dân vẫn cố ý không chấp hành hiệu lệnh. Vì vậy, cần giải quyết những bất cập về cơ sở hạ tầng ATGT đường sắt, đặc biệt phải xử lý triệt để hơn 4.300 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, xây dựng cầu vượt tại các điểm giao cắt, hàng rào bảo vệ, bố trí người cảnh giới,… Có như vậy, TNGT đường sắt mới có thể được hạn chế, giảm đến mức thấp nhất.
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Thượng tá Nguyễn Hồng Đô, Phó Trưởng phòng Hướng dẫn và tổ chức công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt (Cục Cảnh sát giao thông) cho rằng, hạ tầng giao thông đường sắt nước ta hiện nay khá lạc hậu và còn rất nhiều bất cập. Tai nạn tại các đường ngang dân sinh bất hợp pháp đang có chiều hướng gia tăng, có những vụ tai nạn đã xảy ra để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và của. Nguyên nhân do hiện nay hệ thống văn bản pháp luật còn chậm triển khai, thiếu đồng bộ; kết cấu hạ tầng tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt còn chưa hợp lý, không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn như: Tầm nhìn bị hạn chế, độ dốc của đường bộ trên đoạn đường ngang vượt quá quy định, nhất là đường ngang tại các vị trí đường bộ song song, liền kề đường sắt và ra vào các khu dân cư, khu công nghiệp. Thí dụ như trên đoạn đường Lê Duẩn (Hà Nội), hệ thống đường sắt và đường bộ vừa song song liền kề, vừa chênh lệch cao thấp mà đường ngang thì nhiều nhưng không thể xử lý được.
Ứng dụng công nghệ
Tại các nước phát triển, TNGT đường sắt đã giảm đáng kể do sự phát triển và ứng dụng các tiến bộ về khoa học công nghệ trong an toàn đường sắt. Tại nước ta, vấn đề này trong những năm qua luôn được ngành đường sắt và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm bằng việc nghiên cứu áp dụng một loạt các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn đường sắt tại khu vực giao cắt với đường bộ như ứng dụng công nghệ cảnh báo an toàn sớm bằng ca-mê-ra hồng ngoại trên đầu tàu, cảm biến la-de tại các ngã tư giao cắt. Đồng thời, lắp đặt khoảng 300 rào chắn tự động tại các đường ngang, giáo dục và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, hoàn thiện hệ thống pháp luật,… Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Biển Bạc (công ty cung cấp công nghệ ứng dụng cảnh báo sớm cho ngành Đường sắt) Trần Trọng Vinh, hiện nay trên đường tàu, người lái tàu không nhìn được xa, đặc biệt vào ban đêm hoặc trời mưa, cho nên việc đưa công nghệ ca-mê-ra hồng ngoại giám sát vào sử dụng sẽ cảnh báo sớm cho lái tàu phát hiện được vật cản cách từ một đến ba km, giúp quan sát tốt hơn trong mọi điều kiện ánh sáng. Còn với cảm biến la-de đặt tại các ngã tư, nếu vào thời điểm tàu chuẩn bị chạy qua có bất kỳ một vật cản nào quanh khu vực sẽ gửi cảnh báo về cho lái tàu biết bằng hình ảnh để kịp thời dừng tàu trước khi đến các điểm giao cắt. Hiện, đây là những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới đang áp dụng, nếu chúng ta áp dụng đồng bộ các biện pháp này, TNGT đường sắt sẽ giảm thiểu.
Trong những năm qua, TNGT đường sắt đã gây ra nhiều tổn thất to lớn về người và tài sản, làm hư hỏng các công trình xã hội. Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, lời giải cho “bài toán” bảo đảm ATGT đường sắt đã có, bởi điểm mấu chốt của việc mất an toàn đường sắt ở nước ta chủ yếu do người dân tự ý mở đường ngang dân sinh bất hợp pháp để lấy lối đi lại, hoặc tự tháo dỡ rào chắn ở những nơi ngành đường sắt đã lắp đặt. Đối với các giải pháp trước mắt, các cơ quan, đơn vị liên quan cần ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, nâng cao năng lực của Trung tâm Ứng phó sự cố thiên tai và cứu nạn đường sắt, tổ chức diễn tập cứu hộ trên từng cung đường, rà soát lại toàn bộ các đường ngang, hệ thống đèn tín hiệu, biển báo, cảnh báo. Ngoài ra, cần thực hiện tốt công tác cảnh báo, bảo vệ tại các điểm giao cắt đường ngang, phải có gác chắn tự động, bảo vệ chống xâm phạm hành lang an toàn đường sắt, với các đường ngang dân sinh trái phép hiện hữu, cần quản lý chặt, khống chế và kiên quyết không để phát sinh. Các địa phương cùng ngành đường sắt cũng phải triển khai và thực hiện nghiêm túc Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ về trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Với các phương tiện giao thông đường bộ, cần làm thêm những gờ giảm tốc trên đường bộ, biển báo hiệu giao thông nơi giao cắt với đường sắt. Những đoạn đường nguy hiểm đã và chưa xảy ra tai nạn nhất thiết phải có đèn báo, biển báo giao thông...