Sáng ngày 25/12, tại TP. Phan Rang – Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), Ban QLDA đường sắt cùng với nhà thầu, tư vấn tổ chức thay mới cầu Tháp Chàm.
Cầu Tháp Chàm tại lý trình Km 1408+544 tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, là cây cầu cuối cùng trong 44cầu thuộc dự án “Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh” đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản được hoàn thành, thông tuyến; rút ngắn so với tiến độ hợp đồng 8 tháng. Việc rút ngắn được tiến độ hoàn thành cầu Tháp Chàm trước đợt vận tải hành khách cao điểm Tết Bính Thân của ngành Đường sắt góp phần phục vụ nhân dân đi lại.
Để rút ngắn được tiến độ, sớm đưa vào khai thác sử dụng, Ban QLDA đường sắt đã chỉ đạo nhà thầu, tư vấn nghiên cứu thay đổi biện pháp thi công lắp và thay dầm như: điều chỉnh lắp dựng trên bờ để tránh mùa lũ; thay dầm, chuyển tuyến một lần để giảm thiểu thời gian gián đoạn khai thác do phong tỏa, dừng tàu; điều động bổ sung nhân lực kết hợp với việc tăng ca tăng kíp, tăng cường nhân sự.
Đồng thời, Ban QLDA đường sắt cũng cử cán bộ thường trực bám sát hiện trường, sát sao và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc.Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý, khai thác đường sắt của Tổng công ty Đường sắt VN đảm bảo an toàn trong điều kiện vừa chạy tàu vừa thi công...
Với việc sàng dầm cầu Tháp Chàm mới thành công, Dự án “Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh” đã cơ bản hoàn thành. Đưa được toàn bộ 44 cầu vào khai thác sử dụng trước gần 8 tháng so với tiến độ hợp đồng, góp phần bảo an toàn chạy tàu của ngành Đường sắt. Dự án cũng góp phần nâng cao an toàn cho các hoạt động giao thông khác và dân sinh hai bên đường sắt trong phạm vi thực hiện dự án, rút ngắn hành trình chạy tàu Bắc - Nam.
Cầu Tháp Chàm mới được thiết kế theo công nghệ cầu giàn của Nhật Bản bao gồm 4 nhịp dầm thép; Sử dụng công nghệ ray liên kết trực tiếp trên dầm thép (không dùng tà vẹt). Chiều dài cầu 182,25m, chiều dài đường dẫn 1.346,81m.
Cầu thuộc Gói thầu CP3C do nhà thầu Liên danh RINKAI – RCC thi công, sử dụng vật tư dầm thép, bu lông..., phụ kiện liên kết ray và dầm nhập từ Nhật Bản. Giá trị công trình theo hợp đồng khoảng 91,8 tỷ đồng.
Trước đó để kịp thời gian, đảm bảo phải trả đường đúng kế hoạch, các đơn vị đã khẩn trương thi công, căn chỉnh đảm bảo các yếu tố kỹ thuật khi kết nối cầu mới với đường dẫn hai đầu cầu cũng như đảm bảo an toàn cho tàu qua. Ông Vũ Khắc Điệp, Chỉ huy trưởng công trình Gói thầu CP3C của Công ty CP Cầu 14 – nhà thầu phụ cho biết, đã huy động đến 200 cán bộ, công nhân công ty tập trung để sàng dầm cầu Tháp Chàm.
Nguồn: Báo Giao thông