Hành trình tàu cao tốc với tốc độ 300km/h, chạy từ Hà Nội đến TP HCM chỉ mất hơn 5 giờ, đi qua 25 ga của các tỉnh dọc theo Bắc Nam. Tổng vốn cho công trình này tới gần 56 tỷ USD, di dời gần 10.000 hộ dân.
Chiều 17/4, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM đã được Chính phủ trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng, đến năm 2030, nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc - Nam sẽ là 534.000 người mỗi ngày. Nếu không xây dựng đường sắt cao tốc thì nhu cầu vận tải hành khách sẽ vượt năng lực của các loại hình vận tải là 156.000 người mỗi ngày.
Với năng lực chuyên chở cao, đường sắt cao tốc sẽ đáp ứng được yêu cầu chuyên chở khách sau năm 2035 và trong tương lai trên trục Bắc - Nam.
Chính phủ đã nghiên cứu 4 phương án đầu tư và lựa chọn phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để vận chuyển hàng hoá và hành khách các địa phương. Đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h để chuyên chở hành khách. Đoàn tàu sẽ sử dụng công nghệ động lực phân tán (EMU) với đại diện là đoàn tàu Shinkansen của Nhật Bản.
Tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản. Ảnh: diendan.
Tuyến đường sắt có chiều dài 1.570 km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) tới ga Bình Triệu (TP HCM). Các ga đầu cuối sẽ kết nối với hệ thống giao thông của 2 thành phố lớn bằng đường sắt trên cao. Tuyến đường sắt sẽ nằm trên các cầu cạn dài 1.043 km (chiếm 67%), cầu vượt sông và đường bộ, hầm... Tổng diện tích đất thu hồi khoảng 4.170 ha và 9.480 hộ cần tái định cư.
Dự án được phân tuyến xây dựng và khai thác, đến năm 2020 sẽ hoàn thành từ Hà Nội - Vinh và đoạn Nha Trang - TP HCM. Đến năm 2030 sẽ hoàn tất đoạn Vinh - Đà Nẵng và hoàn thành toàn tuyến vào 2035.
Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng đưa ra phương thức huy động vốn đầu tư hạ tầng đường sắt cao tốc từ ngân sách, vốn ODA, vốn vay ít ưu đãi hơn (OCR), chú trọng nguồn vốn vay của Nhật Bản, WB, ADB... Với phương tiện vận tải sẽ đầu tư từ nguồn vốn của các thành phần kinh tế. Nhà nước bảo lãnh vay vốn của các ngân hàng - tổ chức tài chính trong nước và quốc tế. Sau đó, Nhà nước thu phí đối với các doanh nghiệp khai thác vận tải và sử dụng kết cấu cơ sở hạ tầng.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được nhiều ủy viên Thường vụ Quốc hội ủng hộ về chủ trương đầu tư, song không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn về số vốn đầu tư, tính an toàn...
Dưới góc nhìn nhà kinh tế, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng, các loại phương tiện vận tải đường bộ, hàng không, đường thủy đều sẽ được cải thiện trong tương lai, nên cần tính toán kỹ hơn về lượng khách đi trên tàu cao tốc Bắc Nam mà không thể chỉ tính toán dựa theo số khách như hiện nay.
"Giá vé tàu cao tốc gần bằng vé máy bay thì không thể nhiều người dân có khả năng đi tàu, cần phân tích cơ cấu 57 triệu hành khách trong tương lai, bao nhiêu phần trăm có thể đi tàu cao tốc", ông Hiền bày tỏ.
Ngoài ra, ông Hà Văn Hiền cho rằng, nhà nước còn phải đầu tư một loạt các dự án như phát triển đường bộ, điện hạt nhân nên dự án đường cao tốc phải tính toán kỹ lưỡng tính khả thi.
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật, cũng đặt vấn đề lo ngại về vốn. Ông cho rằng GDP hiện nay là 110 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 6% mỗi năm chưa thể đáp ứng đầu tư cho nhiều ngành kinh tế. Trong đó đầu tư cho tuyến đường sắt cao tốc mỗi năm phải huy động hàng chục nghìn tỷ đồng. "Ngân sách như một ông bố nghèo, muốn xây nhà cho con trai, mua ôtô cho con gái, mơ ước thì nhiều song không thực hiện được", ông Thuận ví von.
Ông Kso Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, băn khoăn về tính an toàn của tàu cao tốc có tốc độ đến 300km/h, khi mà ý thức bảo vệ của công, an toàn giao thông của một bộ phận dân cư chưa cao. "Tình trạng ném đá lên tàu, đặt chướng ngại vật trên đường ray còn diễn ra thì tai nạn tàu cao tốc sẽ là thảm họa bởi lượng khách lớn. Cần phải đặt an ninh đường sắt như an ninh hàng không", ông Kso Phước nói.
Giải trình trước các ý kiến của các Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, kinh nghiệm các nước trên thế giới là hạ tầng đường sắt là vật chất xã hội nên không đặt ra thời gian hoàn vốn, chỉ đặt ra vấn đề hoàn vốn phương tiện trong 12 năm. Do vậy, nhà nước sẽ đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp đầu tư tàu cao tốc.
Ngoài ra, trong quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030 đã nêu phương án đầu tư đường sắt cao tốc. Trong quy hoạch Hà Nội và TP HCM cũng đã nêu các tuyến đường sắt nội đô, có thể kết nối với đường sắc Bắc Nam.
Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng, các yếu tố mà đại biểu quan tâm sẽ được làm rõ trong báo cáo đầu tư. Tuy nhiên, Quốc hội phải cho chủ trương đầu tư thì Bộ GTVT mới làm báo cáo đầu tư, Chính phủ Nhật sẽ hỗ trợ vốn để lập báo cáo.
Cuối buổi thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu Bộ GTVT tính toán lại nguồn vốn đầu tư đường sắt cao tốc nếu chính sách hoặc nguồn vốn thay đổi. Ngoài ra, làm rõ phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam sẽ tiếp tục được Quốc hội bàn thảo vào tháng 5.
Nguồn http://vnexpress.net