http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 27/11/2015

Ngành GTVT tích cực, chủ động hợp tác quốc tế

Ngành GTVT tích cực, chủ động hợp tác quốc tế

Thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng tại Đại hội Đảng lần thứ XI là “tích cực và chủ động hội nhập quốc tế” và tiếp nối truyền thống “đi trước mở đường”, thời gian qua, ngành GTVT đã đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực GTVT như đường bộ, đường sắt, đến hàng hải, hàng không, đường thủy nội địa. 
Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài viết về chủ trương lớn và những hoạt động hiệu quả của công tác đối ngoại trên lĩnh vực GTVT của đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT.

Hàng không Việt Nam đã có mạng lưới hơn 50 đường bay quốc tế (Trong ảnh: Máy bay thế hệ mới hiện đại Boeing 787-9 Dreamliner của Vietnam Airlines)
 
Hợp tác quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất hơn
 
Trong 5 năm qua, ngành GTVT đã ký kết, gia nhập và thực hiện 50 điều ước quốc tế. Đây thực sự là sợi dây gắn kết, tạo động lực thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, văn hóa, du lịch giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới, qua đó góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
 
Có thể thấy quan hệ hợp tác GTVT giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực và các nước có quan hệ đối tác chiến lược ngày càng được củng cố, đi vào chiều sâu và thực chất hơn. Đặc biệt, việc hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN trong năm nay đã đánh dấu một bước ngoặt trong hợp tác kinh tế thương mại ASEAN, đồng thời tạo ra một cơ hội phát triển lớn cho GTVT các nước ASEAN cũng như Việt Nam. Trong khi đó, quan hệ giữa Việt Nam với các nước chưa có nhiều hợp tác trong lĩnh vực GTVT như: các nước châu Phi, Nam Mỹ... cũng dần được xác lập. 
Trong lĩnh vực hàng không, giai đoạn 2011-2015 đã có 24 điều ước quốc tế được ký kết, gia nhập. Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hàng không không chỉ hỗ trợ Hãng hàng không Quốc gia mà còn hỗ trợ các hãng hàng không khác mở rộng các đường bay quốc tế mới.
 
Đặc biệt, việc các nước ASEAN thực hiện chính sách mở cửa bầu trời ASEAN vào năm 2015 cùng với việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ là cú hích thúc đẩy tăng trưởng của thị trường hàng không khu vực, cũng như tạo ra cơ hội phát triển lớn cho các hãng hàng không của Việt Nam, trong đó có các hãng hàng không giá rẻ như: Vietjet Air, Jetstar Pacific vốn đang được phát triển đúng hướng khi trong thời gian gần đây đã mở một số đường bay quốc tế tới Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc…
 
Đến nay, cánh bay của hàng không Việt Nam đã vươn tới hầu hết các châu lục trên thế giới với mạng lưới hơn 50 đường bay quốc tế. Giấc mơ mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ cũng không lâu nữa sẽ được Vietnam Airlines biến thành hiện thực. Có thể nói, tăng cường hợp tác quốc tế lĩnh vực hàng không đã góp phần không nhỏ để các hãng hàng không Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao ở mức hai con số, đạt trung bình 14%/năm về hành khách và 17% về hàng hóa. Thị trường hàng không Việt Nam được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá là một trong 7 thị trường tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.
 
Đối với hàng hải, 5 năm qua, ngành GTVT đã tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, bao gồm cả việc trình Quốc hội thông qua Bộ luật Hàng hải sửa đổi và ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế; huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cảng biển.
 
Cũng trong giai đoạn này, 13 điều ước quốc tế lĩnh vực hàng hải đã được ký kết, gia nhập. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến tàu biển thông qua Cơ chế 1 cửa quốc gia đã thực sự tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Với việc tăng cường giám sát, quản lý nhà nước, năm 2014, theo báo cáo của Tổ chức các quốc gia tham gia Bản ghi nhớ Tokyo về hợp tác kiểm tra tàu tại các cảng biển khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo-MOU), đội tàu biển Việt Nam đã được đưa ra khỏi danh sách “đen” và bước vào danh sách “trắng” của tổ chức này.
 
Về đường bộ, hợp tác quốc tế trong 5 năm qua tập trung vào hoàn thiện thể chế, với 9 điều ước quốc tế được ký kết, gia nhập. Ngoài ra, ngành cũng tăng cường đầu tư, nâng cấp hạ tầng đường bộ kết nối với các nước láng giềng. Việc đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai tháng 9/2014 và cuối tháng 12/2015 sẽ đưa tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vào sử dụng sẽ giúp hoàn chỉnh tuyến cao tốc Hải Phòng - Côn Minh (Trung Quốc).
 
Hiện nay, Việt Nam và Lào đang nghiên cứu tuyến đường bộ cao tốc nối thủ đô hai nước. Ngành GTVT tích cực thúc đẩy việc thực hiện kiểm tra “một cửa một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu biên giới với các nước láng giềng và phối hợp nghiên cứu mở mới, tăng cường các tuyến vận tải qua biên giới.
 
Trong khuôn khổ kết nối đường bộ khu vực, Bộ GTVT đang xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Đề án Tăng cường kết nối GTVT ASEAN, trong đó lĩnh vực đường bộ sẽ ưu tiên tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ thuộc mạng đường bộ ASEAN, đồng thời đưa các tuyến đường bộ cao tốc có hướng tuyến phù hợp vào khai thác như là một phần của mạng đường bộ ASEAN để tạo thuận lợi và nâng cao chất lượng vận tải.
 
Trong lĩnh vực đường sắt, ngành GTVT đã và đang hợp tác hiệu quả với Trung Quốc trong việc tổ chức vận chuyển hàng hóa, hành khách trên tuyến từ Hà Nội đi Côn Minh, Nam Ninh và các tuyến liên vận quốc tế trên cơ sở Hiệp định đường sắt biên giới Việt - Trung cũng như các Hiệp định của Tổ chức Hợp tác đường sắt quốc tế mà hai bên cùng là thành viên. Việc phối hợp với các nước ASEAN triển khai chương trình hợp tác xây dựng đường sắt xuyên Á cũng có những chuyển biến tích cực. Vừa qua, Chính phủ Hàn Quốc đã đồng ý hỗ trợ Việt Nam lập nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ - Thà Khẹc - Viêng Chăn.
 
Lĩnh vực đường thủy, hiện vận tải thủy nội địa chủ yếu hợp tác với các nước láng giềng có chung biên giới như: Campuchia, Trung Quốc. Hiệp định Vận tải thủy giữa Việt Nam và Campuchia được ký năm 2009 và có hiệu lực từ năm 2011. Từ đó đến nay, hai nước đã làm thủ tục cho hàng trăm lượt tàu qua lại với gần 1 triệu tấn hàng hóa và hàng trăm nghìn khách qua lại hai bên bằng đường thủy, qua đó góp phần thúc đẩy hợp tác chính trị, kinh tế xã hội giữa Việt Nam và Campuchia. Hiệp định tàu thuyền đi lại tự do tại Khu vực cửa sông Bắc Luân với Trung Quốc đang được đàm phán, ký kết.
 
Tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế
 
Thời gian tới, ngành GTVT sẽ tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Về hàng không, sẽ tập trung phát triển các cảng hàng không quốc tế ở các thành phố lớn, đặc biệt thúc đẩy việc triển khai dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành mới được Quốc hội thông qua về chủ trương. Hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam mở rộng mạng đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ, trước hết là đường bay thẳng tới Hoa Kỳ. Tận dụng cơ hội chính sách bầu trời mở trong ASEAN để hỗ trợ phát triển các hãng hàng không, đặc biệt là hàng không giá rẻ.
 
Về hàng hải, tích cực tham gia vào hoạt động của IMO nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hàng hải nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia vào thị trường hàng hải quốc tế và hoàn thiện hệ thống pháp luật hàng hải. Tập trung hoàn thành xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và phát huy vai trò cảng trung chuyển quốc tế của cảng Cái Mép - Thị Vải.
 
Về đường bộ, đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối hạ tầng giao thông đường bộ với các nước láng giềng, ưu tiên tập trung hoàn thành đầu tư nâng cấp các tuyến quốc lộ thuộc mạng đường bộ ASEAN, thúc đẩy thực hiện chương trình xây dựng mạng đường bộ xuyên Á. Cùng các nước ASEAN, GMS đưa các hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải qua biên giới trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, GMS vào triển khai trên thực tế.
 
Về đường sắt, tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài để xây dựng tuyến đường sắt đôi tốc độ cao Bắc - Nam khổ 1.435 mm, hoàn thiện các tuyến đường sắt xuyên Á, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Về đường thủy nội địa, tiếp tục hợp tác với Campuchia triển khai Hiệp định vận tải thủy giữa Chính phủ hai nước.
 

Xúc tiến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT

Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược giai đoạn 2011-2020, trong những năm qua, Bộ GTVT đã triển khai nhiều giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực để tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có phần đóng góp rất quan trọng từ nguồn vốn ngoài nước. Ngành GTVT đang triển khai 25 dự án với tổng vốn ODA 9.831 triệu USD, trong đó chủ yếu sử dụng nguồn vốn từ các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Úc, Pháp, Trung Quốc và các tổ chức tài chính như: WB, ADB. Hiện nay, ngành đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình và chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào GTVT đến năm 2020. Với những nỗ lực trong thời gian qua, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam đã được nâng lên rõ rệt, hiện xếp hạng 67/140 nước, tăng 36 bậc từ năm 2010 đến nay.

 

Nguồn: mt.gov.vn