Tàu đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông, Nhổn-ga Hà Nội có chế độ lái tự động, khi tàu phía trước tăng tốc hay giảm tốc, tàu phía sau cũng tự tăng, giảm tương ứng để duy trì khoảng cách.
Tự động mức cao nhất
Tháng 5 vừa qua, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) đã mở cửa một tháng nhà ga La Khê của tuyến đường sắt này để phục vụ người dân đến tham quan ga, đoàn tàu. Dự kiến, tuyến này sẽ được đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2018 và như vậy, trong tương lai gần nhiều người sẽ được trải nghiệm tàu điện đô thị hiện đại.
Theo các kỹ sư của Ban QLDA đường sắt, đặc điểm nổi bật của đường sắt đô thị là ứng dụng công nghệ thông tin tín hiệu tự động trong chỉ huy vận hành hệ thống. Sau khi hoàn thành, hệ thống thiết bị bao gồm đầu máy toa xe, thông tin tín hiệu, trung tâm kiểm soát điều hành, hệ thống thông tin hành khách, hệ thống phòng cháy chữa cháy sẽ được vận hành với mức độ tự động cao đảm bảo yêu cầu về an toàn cho hành khách.
Ông Trương Thanh Tùng, Trưởng phòng Dự án 6 (Ban QLDA Đường sắt) cho biết, trung tâm điều hành của tuyến đường sắt sẽ tiếp nhận thông tin qua hệ thống thông tin vô tuyến, hữu tuyến, camera, tín hiệu tự động theo hệ thống thông tin riêng... để điều hành chạy tàu, Depot, điện năng, bán vé. Các thông tin, tín hiệu và điều hành có sự tự động hóa cao, hạn chế thấp nhất sự can thiệp thủ công của con người. Ngay cả vé tàu cũng hoàn toàn là vé thông tin, khách đi tàu chỉ cần quẹt thẻ tại cửa soát vé là lên phòng chờ tàu.
“Tàu có chế độ lái tự động, nên khi cần thiết, như đưa tàu về Depot, mới cần người trực tiếp điều khiển. Các đoàn tàu trên cùng một ray hoạt động theo nguyên lý tự động duy trì khoảng cách an toàn, dựa trên các thông tin tín tự động, khi tàu này tăng tốc hay giảm tốc bao nhiêu thì tàu đi phía sau cũng tăng, giảm bấy nhiêu”, ông Tùng nói.
Từ vận hành đến soát vé đều tự động
Cũng như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến hoàn thành vào năm 2021 cũng đều sử dụng tiêu chuẩn châu Âu, Hoa Kỳ trong hệ thống quản lý vận hành, khai thác. Đó là công nghệ điều khiển đoàn tàu tự động dựa trên thông tin để chỉ huy, điều khiển chạy tàu.
Theo Ban QLDA Đường sắt đô thị Hà Nội, các cấu thành chính của hệ thống tín hiệu gồm thiết bị ven đường và trên tàu với phần mềm chuyên dụng để cung cấp mọi chức năng cho hệ thống điều khiển tàu tự động ATC (bao gồm 2 chức năng bảo vệ tàu tự động (ATP) và chức năng vận hành tàu tự động (ATO)). Hệ thống tín hiệu được cấu thành từ các thiết bị tin cậy và hiện đại dựa trên công nghệ đã được chứng minh nhằm mang lại các dịch vụ an toàn, chất lượng, có dự phòng và tin cậy cấp độ cao. Đây là hệ thống mở để có thể đáp ứng được sự mở rộng tuyến trong tương lai cả về mặt địa lý và năng lực vận hành.
Độ tin cậy, dự phòng của thiết bị và cấu hình hệ thống đảm bảo sự vận hành của hệ thống và liên tục hoạt động khi xuất hiện bất kỳ một sự cố riêng rẽ nào. Hệ thống ATC sử dụng mô hình khu đoạn ảo. Hệ thống phát hiện tàu tự động xác định vị trí tàu có độ phân giải cao. Hệ thống vận hành tàu tự động (ATO) và Bảo vệ tàu tự động (ATP) bao phủ cả tuyến chính và đề pô cho đến các đường chuyển.
Nguồn: Báo Giao thông