Trao đổi với Báo Giao thông ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: “Đây thực sự là cơ hội lớn và sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển lĩnh vực GTVT xương sống này”.
Theo Thứ trưởng Đông, trước hết, luật khẳng định Nhà nước bố trí nguồn vốn ngân sách thích đáng hàng năm cũng như kế hoạch vốn trung hạn để đầu tư cho kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt. Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về việc ưu tiên bố trí vốn đó để Quốc hội giám sát, như vậy tính khả thi sẽ cao hơn. Luật cũng khẳng định, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư và bảo trì KCHT đường sắt.
Thứ trưởng Đông cho biết, các ưu đãi về hoạt động đường sắt được quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong luật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là tiền đề để các nhà đầu tư xem xét việc đầu tư vào lĩnh vực đường sắt. Cụ thể, quy định rõ ràng hơn ưu đãi về đất cho công nghiệp đường sắt, cơ sở hạ tầng đường sắt, ưu đãi về khai thác hạ tầng hiện hữu như các ga, bãi hàng…
Luật Đường sắt (sửa đổi) gồm 87 điều, 10 chương và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Hiện, Bộ GTVT đang hoàn thiện xây dựng 5 Nghị định dưới luật để triển khai thực hiện kịp thời khi luật có hiệu lực.
|
“Những cơ chế này tác động đến cả kinh doanh hiện hữu cũng như doanh nghiệp trong tương lai. Khi tái cơ cấu đường sắt có thể có nhiều thành phần xã hội tham gia, sẽ có nhiều tác động”, Thứ trưởng Đông nói.
Đặc biệt, luật mới nêu rõ vai trò của các chủ thể, trong đó xác định trách nhiệm, quyền hạn của địa phương trong việc quản lý hành lang an toàn đường sắt và hướng tới xây dựng đường gom, xóa bỏ đường dân sinh… Qua đó, công tác chạy tàu thuận lợi hơn, từ đó có thể nâng cao được tốc độ chạy tàu nhưng vẫn đảm bảo ATGT đường sắt.
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN cũng cho rằng, với việc khẳng định trong luật về ưu tiên vốn đầu tư, đường sắt sẽ không bị tình trạng “bỏ quên” như trước đây. Vì giai đoạn vừa qua, vốn ngân sách đầu tư cho đường sắt chỉ trên dưới 3% trong tổng số nhu cầu vốn cho giao thông.
Làm rõ hơn về các ưu đãi này, ông Minh cho biết, Luật Đường sắt (sửa đổi) đã đưa ra các cơ chế ưu đãi, miễn thuế đất, giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với hạ tầng đường sắt, đất dùng cho công nghiệp đường sắt… Đặc biệt, đây là cơ hội thúc đẩy công nghiệp cơ khí đường sắt phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, nếu tăng thuế đất trong khi đặc thù cơ khí đường sắt phải sử dụng nhiều diện tích đất, tiền thuế đất rất lớn như vậy không khuyến khích cơ khí đường sắt phát triển.
Luật cũng tạo điều kiện thuận lợi để khai thác lợi thế thương mại của các nhà ga. Với các ga lớn, ngành Đường sắt có thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cũng có thể trực tiếp đầu tư. Khi đó, nhà ga ngoài chức năng chạy tàu, phục vụ hành khách còn bao gồm cả trung tâm thương mại và các chức năng khác. Với việc khai thác thương mại, ngoài nguồn doanh thu từ vận tải sẽ có nguồn tiền để tái đầu tư. Ví dụ, nếu đầu tư xây dựng trung tâm thương mại lớn tại ga Hà Nội, ngoài lợi ích có nhà ga đẹp, nhiều tiện ích phục vụ người dân, tiền thu từ khai thác các dịch vụ, hoạt động thương mại khác có thể dùng để đầu tư kho bãi, phương tiện đầu máy - toa xe, phương tiện bốc xếp…
Về vận tải đường sắt thời gian qua rất khó khăn, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do kết cấu hạ tầng đường sắt quá cũ kĩ, lạc hậu dẫn đến tốc độ chạy tàu thấp, giá thành cao, năng lực cạnh tranh thấp. “Với nguồn vốn ngân sách Nhà nước ưu tiên đầu tư, KCHT đường sắt sẽ cải thiện hơn; phương tiện, thiết bị, hệ thống kho bãi được đầu tư tốt hơn, chắc chắn vận tải đường sắt sẽ phát triển hơn”, ông Minh bày tỏ.
Khuyến khích các nguồn lực tham gia kinh doanh đường sắt
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho biết, Luật Đường sắt (sửa đổi) là hành lang pháp lý mở ra cơ hội thu hút vốn xã hội. Các thành phần kinh tế khác có thể tham gia vào khai thác vận tải khi Nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp vận tải sau cổ phần hóa; tham gia đầu tư, khai thác các hạ tầng có thể kinh doanh, khai thác tốt như: Nhà ga, bãi hàng, dịch vụ… hay công nghiệp đường sắt để cung cấp phương tiện, sản phẩm cơ khí, dịch vụ cho vận tải… Cũng có thể đầu tư, khai thác một tuyến đường theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), BLT (Xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) hay BOOT (xây dựng - sở hữu - kinh doanh - chuyển giao)…
Đồng quan điểm, ông Vũ Anh Minh khẳng định, Luật Đường sắt (sửa đổi) được ban hành sẽ tạo cơ chế thông thoáng, thuận lợi, khuyến khích và thúc đẩy thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển đường sắt. Luật Đường sắt mới đã xác định có ba hệ thống đường sắt là hệ thống đường sắt hiện hữu, hệ thống đường sắt đô thị đang được xây dựng, phát triển và hệ thống đường sắt tốc độ cao trong tương lai.
Cơ khí đường sắt có vai trò rất quan trọng đối với cả 3 hệ thống này. Nếu không có cơ khí đường sắt sẽ không thúc đẩy phát triển được, vì nếu cái gì cũng nhập khẩu sẽ rất tốn kém, lại phải phụ thuộc nhà sản xuất nước ngoài. Vì vậy, để phát triển cơ khí đường sắt trong nước, luật đã đưa ra các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế đất; miễn thuế nhập khẩu thiết bị, máy móc, vật tư, phụ tùng thay thế, phương tiện giao thông đường sắt trong nước chưa sản xuất được; được vay vốn với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi nhất từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước... Với các chính sách ưu đãi này sẽ kêu gọi được các nhà đầu tư, nhà sản xuất hợp tác đầu tư để phát triển lĩnh vực này.
Còn về vận tải đường sắt, theo ông Minh, trước nay rất khó khăn về vốn, mà vay thương mại thì chi phí cao. Nếu được vay vốn ưu đãi Nhà nước, hay Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo hình thức hợp tác đối tác công-tư PPP thì đường sắt hoặc các nhà đầu tư ngoài ngành có thể đầu tư đầu máy, toa xe tốt hơn để thúc đẩy phát triển vận tải.
Cũng theo ông Minh, ngoài vốn vay ưu đãi, các cơ chế theo luật mới cũng là cơ sở pháp lý để dễ kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư khác hợp tác đầu tư với đường sắt. Nghĩa là sẽ đa dạng hóa được nguồn vốn, bao gồm vốn của doanh nghiệp, vốn vay ưu đãi, vốn thu hút từ các nhà đầu tư và các nguồn thu khác… Luật Đường sắt (sửa đổi) đã thực sự mở ra các điều kiện để huy động được các nguồn lực tài chính khác tham gia đầu tư, phát triển lĩnh vực đường sắt.
Nguồn: Báo Giao thông