"Cùng với thay đổi luật, bản thân ngành Đường sắt cũng phải thay đổi để khẳng định lại vị trí của mình”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.
Thảo luận về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/3, đa số ý kiến các đại biểu đều mong muốn có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi hơn để đưa đường sắt trở thành một loại hình vận tải chủ đạo trong tương lai.
Cân nhắc thêm quy định về giá - phí
Về vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, về quy định chuyển từ phí sang giá cho thuê kết cấu hạ tầng đường sắt, hiện vẫn đang còn 2 loại ý kiến. Thống nhất với phương án Chính phủ trình, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định cơ chế phí như hiện nay không phù hợp với cơ chế thị trường, không khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt. Do đó, cần áp dụng cơ chế giá linh hoạt và thuận lợi trong việc lựa chọn được đơn vị có khả năng sử dụng hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bản thân bà đã đi tàu và cảm thấy rất dễ chịu, thoải mái. “Nếu đầu tư nâng cấp tốc độ cao hơn thì tốt. Nhưng đường sắt tốc độ cao mà với tình trạng mở đường dân sinh tràn lan thế này thì không ổn”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, đồng thời mong muốn Luật Đường sắt sửa đổi sẽ giải quyết được thực trạng này. Thậm chí nơi nào chính quyền mở đường dân sinh trái phép thì kỷ luật người đứng đầu.
|
Loại ý kiến thứ hai đề nghị áp dụng đồng thời 2 hình thức phí và giá. Cụ thể, hình thức “phí” áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước được giao kinh doanh, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư; Hình thức “giá” đối với doanh nghiệp khác ngoài Nhà nước thuê, chuyển nhượng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư. Theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường cùng Ban soạn thảo nhất trí với loại ý kiến thứ nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị đánh giá rõ hơn tính khả thi của việc chuyển hoàn toàn sang cơ chế giá thị trường, liệu có kỳ vọng tạo đột phá cho đường sắt phát triển không? Nếu phí cộng giá thì tác động thế nào? Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng giải đáp, đa số ý kiến ĐBQH đồng tình theo cơ chế giá bởi đây là chủ trương chung, trước sau chúng ta cũng phải đi theo xu hướng này.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đồng tình với việc áp dụng cơ chế giá, tuy nhiên nhấn mạnh cần rà soát, làm rõ hơn cơ chế quản lý giá để đảm bảo sự công khai, minh bạch trong quản lý giá, phí trong hoạt động kinh doanh đường sắt. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu theo định hướng kinh tế thị trường thì nên chuyển sang cơ chế giá, còn khi áp dụng phí thì phải tính toán lại Luật về phí.
Thay đổi để khẳng định lại vị trí
Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển dẫn ra con số trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2005 - 2015, ngân sách đầu tư cho đường bộ chiếm 80-90%, nhưng cho đường sắt chỉ từ 1,6-5,6%. Riêng năm 2015, đầu tư cho đường bộ chiếm 92,9%, nhưng đường sắt chỉ có 1,6%, đường thủy nội địa 1,9%, hàng hải 3,3%, hàng không 0,3%... “Câu chuyện đặt ra là phải đưa đường sắt thành một loại hình vận tải chủ yếu, cần tính cân đối đầu tư để tạo điều kiện phát triển hài hòa giữa đường bộ - đường sắt - đường thủy - đường hàng không”, ông Hiển nêu quan điểm.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cũng nhận định, đường sắt là loại hình có nhiều ưu thế, nhưng trong khi đầu tư cho đường bộ chiếm tỷ lệ khá cao thì tỷ lệ dành cho đường sắt vẫn còn ít, và đã từ lâu, chúng ta chưa có sự đầu tư tương xứng cho đường sắt. “Hiện nay tỷ lệ đầu tư cho đường bộ là quá cao, tính đồng bộ trong các phương thức vận tải chưa phù hợp, đường sắt bị cắt dần các kết nối nên hiệu quả vận chuyển hàng hoá giảm... Vì vậy, Bộ GTVT hy vọng với việc sửa luật lần này, đường sắt sẽ có vị trí xứng đáng, phấn đấu là loại hình số 1 trong vận tải hành khách và hàng hóa. Bởi hiện nay theo tính toán, phí vận chuyển bằng đường bộ của chúng ta so với trong khu vực không cao, nhưng so với thu nhập kinh tế thì lại rất cao”, Bộ trưởng cho biết.
Cho rằng lâu nay đường sắt rơi vào tình trạng bao cấp nên chưa chủ động trong tiếp cận hàng hóa và hành khách, nhưng Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định, hiện nay đường sắt đã bắt đầu có sự thay đổi. “Vừa rồi tôi đi tuyến Nha Trang - Hà Nội thấy khách hàng đã quay lại với đường sắt khi chất lượng dịch vụ và đội ngũ phục vụ tốt hơn. Vì vậy, cùng với thay đổi luật, bản thân ngành Đường sắt cũng phải thay đổi để khẳng định lại vị trí của mình”, Bộ trưởng khẳng định.
Đầu tư cho đường sắt không thể chờ lâu
Bàn về cơ chế, ưu đãi để hỗ trợ phát triển đường sắt, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, đây là vấn đề rất cần thiết vì so với các loại hình vận tải khác, đường sắt chưa được đầu tư và phát huy hiệu quả, khả năng vốn có. Vì thế, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát huy tiềm năng thế mạnh của đường sắt, nhưng lưu ý làm sao không chồng chéo với các luật khác. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình từ Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga mong muốn khi có Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ có cách tăng thị phần của đường sắt. Vì thế, chính sách đầu tư, ưu đãi cho đường sắt cần quy định chi tiết, cụ thể hơn. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến.
Tán thành cao việc hoàn thiện dự án luật này để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Luật ra đời phải khắc phục được những bất cập, hạn chế cho giao thông đường sắt, phải tạo ra bước đột phá mới về chính sáchpháp luật để trong 5 - 10 năm tới, đường sắt trở thành loại hình vận tải chủ đạo hoặc một trong những loại hình vận tải chủ đạo. Vì thế, đầu tư cho đường sắt phải thay đổi ngay trong kế hoạch đầu tư trung hạn lần này chứ không phải chờ 5 năm nữa. Đây là cơ hội rất lớn cho đường sắt phát triển”.
Để tiếp thu ý kiến của tất cả các đại biểu, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, ngay trong chiều cùng ngày, tổ biên tập sẽ cùng ngồi lại với Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường để bàn bạc, tiếp thu và có báo cáo lại đầy đủ với Thường vụ Quốc hội. Bộ trưởng khẳng định, cùng với việc duy trì hệ thống đường sắt cũ một cách tốt nhất sẽ triển khai nhanh chóng việc làm đường sắt tốc độ cao.
Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển một lần nữa lưu ý, luật cần có quy định chính sách tạo đột phá cho ngành Đường sắt để trở thành loại hình vận tải chủ đạo, nhưng đồng thời cũng phải có phương án xã hội hoá thu hút nguồn đầu tư và thực hiện theo cơ chế thị trường.
Nguồn: Báo Giao thông