Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ trình Chính phủ Đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào năm 2018, sau khi Chính phủ thẩm định sẽ trình Quốc hội xem xét. Nếu Quốc hội cho phép đầu tư, dự kiến dự án sẽ được triển khai từ năm 2020.
Nếu được Quốc hội thông qua, đường sắt tốc độ cao sẽ được triển khai ở Việt Nam từ năm 2020 (ảnh: Đường sắt tốc độ cao ở Nhật Bản)
Tại Hội nghị triển khai công tác năm 2017 của Bộ GTVT ngày 10/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT rà soát đề án đường sắt tốc độ cao vào năm 2018 và trình Quốc hội.
Theo Phó Thủ tướng, nếu Quốc hội cho phép đầu tư sẽ triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ 2020 đến năm 2030, trong đó ưu tiên các phân đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang.
Về phía Bộ GTVT, trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo lộ trình đến năm 2018 phải trình Đề án đường sắt tốc độ cao lên Chính phủ để tiếp tục thẩm định, nếu khả thi sẽ trình Quốc hội.
“Phân đoạn đầu tư sẽ ưu tiên đoạn Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang, nếu làm những đoạn ngắn hơn nữa thì kiến nghị từ Hà Nội đi Phủ Lý (Hà Nam) và từ Thủ Thiêm (TPHCM) đi Long Thành (Đồng Nai). Động tác này nhằm đào tạo, chạy thử kết hợp với phát triển công nghiệp, sau đó sẽ nhân rộng ra các phân đoạn khác” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Theo Thứ trưởng Đông, chiến lược quy hoạch đường sắt vẫn xác định lượng hành khách rất lớn trên trục Bắc - Nam, với lượng hàng hóa vận tải trong trung và ngắn hạn thì vẫn không có phương tiện nào khác tốt hơn đường sắt.
Nguồn: Báo Giao thông