Năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Chính phủ thẩm định dự án đường sắt cao tốc, nếu được thông qua sẽ hoàn thành một số đoạn trước 2030.
Theo Thứ trưởng Đông, trong số các nội dung mới của dự luật sửa đổi sẽ có một chương về đường sắt tốc độ cao. Dù Quốc hội từng bác dự án đường sắt cao tốc song theo Chiến lược, Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao, khổ 1.435 mm trên trục Bắc - Nam sẽ hoàn thành vào năm 2050.
Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu tiền khả thi. Theo đó, dự kiến năm 2018, Bộ sẽ trình Chính phủ thẩm định, sau đó trình Quốc hội phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trước 2020. Đoạn Sài Gòn - Long Thành được chọn thí điểm để vận hành khai thác, đào tạo chuyển giao công nghệ, sau đó làm tiếp các đoạn ưu tiên như Hà Nội - Vinh. Sau năm 2030, tuyến sẽ kéo dài tiếp Hà Nội - Đà Nẵng và Sài Gòn - Đà Nẵng.
“Toàn tuyến Bắc - Nam sẽ được làm theo lộ trình và từng đoạn, phấn đấu nối toàn tuyến trước năm 2050”, ông Đông cho biết.
|
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông báo cáo trước Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Xuân Hoa.
|
Báo cáo thẩm tra dự luật này, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội cơ bản nhất trí với các quy định về đường sắt tốc độ cao bảo đảm việc xây dựng theo chiến lược, quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ Giao thông cần làm rõ hơn về nguồn tài chính và lộ trình thực hiện; những biện pháp để bảo đảm tính khả thi.
Thị phần vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,7%
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét, nhiều năm qua ngành đường sắt không huy động được vốn đầu tư từ doanh nghiệp, đầu tư của nhà nước cũng rất hạn chế. Đường sắt thời Pháp để lại dài hơn 3.000 km song chúng ta không làm thêm được kilômet nào mà còn giảm đi.
"Kỳ vọng với sự phát triển vận tải đường sắt trong thời gian tới, theo tính toán với các cung đường 500-700 km, đường sắt có lợi thế cạnh tranh với các loại hình vận tải khác", ông Thanh nhận xét.
Kết luận lại phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, nếu tiếp thu các ý kiến trong phiên làm việc này thì tới đây, Dự án Luật đường sắt (sửa đổi) đủ điều kiện để trình ra Quốc hội vào kỳ họp thứ 2, dự kiến khai mạc ngày 20/10 tới.
Dự thảo luật Đường sắt (sửa đổi) gồm 9 chương, 95 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 65/114 điều; bãi bỏ 45/114 điều; sổ sung mới 26 điều.
Nguồn: VNexpress