Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi gồm 9 chương, 92 điều, hướng tới mục tiêu thu hút đầu tư lĩnh vực đường sắt.
|
Các đại biểu thống nhất Luật Đường sắt sửa đổi cần được xây dựng hướng tới mục tiêu thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh lĩnh vực đường sắt
|
Báo cáo tại cuộc họp Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT góp ý Đề án Luật Đường sắt sửa đổi diễn ra chiều nay 17/3, bà Trịnh Thị Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi gồm 9 chương, 92 điều; So với Luật Đường sắt 2005 giữ nguyên 13/114 điều, sửa đổi, bổ sung 58/114 điều, bãi bỏ 34/114 điều và bổ sung mới 19 điều.
Trong đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung cần xin ý kiến của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT như: Việc xác định chủ thể trong công tác quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) và chủ thể trực tiếp quản lý, khai thác, kinh doanh tài sản KCHTĐS; Việc xác định đối tượng được giao đất tại khu gian và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại ga đường sắt; Việc áp dụng hình thức nào, phí hay giá đối với việc sử dụng KCHTĐS; Về các qui định trong quản lý, kinh doanh đường sắt tốc độ cao.
Về vấn đề này, Thứ trưởng phụ trách Nguyễn Hồng Trường cho rằng: “Cần xác định Nhà nước mà Bộ GTVT là đại diện quản lý toàn diện 5 lĩnh vực hàng không, hàng hải, đường bộ, đường thủy và đường sắt. Luật Đường sắt phải mở, nhằm huy động được tốt nhất mọi nguồn lực đầu tư từ xã hội, kể cả đầu tư nước ngoài. Vì vậy, phải khẳng định chủ thể sở hữu là Bộ GTVT”. Về vấn đề này, theo một số đại biểu nên sử dụng thuật ngữ khác để vừa thể hiện được bản chất Bộ GTVT là chủ thể sở hữu đối với đường sắt quốc gia, đồng thời vẫn thể hiện tính “mở” để kêu gọi đầu tư từ xã hội.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là việc áp dụng hình thức nào, phí hay giá đối với việc sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS). Theo Thứ trưởng Trường, trước mắt nên thực hiện cả cách tính phí và giá; Tính phí đối với sử dụng KCHTĐS quốc gia, tính giá đối với KCHTĐS cho thuê. Tuy nhiên, sau này chỉ áp dụng cách tính giá.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho rằng, cần phân định rõ đâu là lĩnh vực KCHTĐS Nhà nước đầu tư, đâu là tư nhân được tham gia đầu tư, từ đó quy định cách tính phí sử dụng đối với KCHTĐS do nhà nước đầu tư, đối với lĩnh vực tư nhân đầu tư thì áp dụng cách tính giá.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng chỉ nên áp dụng cách tính giá, như vậy mới đảm bảo cạnh tranh bình đẳng trong khai thác, kinh doanh KCHTĐS giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn xã hội hóa đầu tư đường sắt. Mặt khác, Nhà nước vẫn trợ giá các tuyến, khu vực khó khăn để đảm bảo về an ninh quốc phòng, phục vụ dân sinh…
Các đại biểu cũng thống nhất cao, các quy định về đường sắt tốc độ cao cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo hành lang pháp lý cho việc đầu tư, quản lý, khai thác sau này.
Chủ trì cuộc họp, Phó Bí thư phụ trách Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhấn mạnh: “Một số điều Luật Đường sắt 2005 không đi vào cuộc sống, vì vậy cần phải đổi mới hướng tới mục tiêu xã hội hóa, thu hút được nhiều nguồn lực hơn trong đầu tư, khai thác và kinh doanh lĩnh vực đường sắt; Đồng thời phải phổ quát cho các lĩnh vực đường sắt như đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao…”.
Thứ trưởng Đông yêu cầu ban soạn thảo Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi tiếp thu ý kiến của các đại biểu, tiếp tục rà soát, nghiên cứu điều chỉnh để hoàn thiện dần Dự thảo luật.
Nguồn: Báo Giao thông