Trong khi sản lượng, doanh thu các tuyến địa phương khác trồi sụt, có khi giảm mạnh, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng dù phương tiện còn nhiều hạn chế vẫn hút khách và tăng trưởng đều đặn.
|
Tàu khách Hà Nội - Hải Phòng được nhiều hành khách lựa chọn Hút khách nhờ chất lượng dịch vụ Có mặt tại ga Hà Nội đón chuyến tàu sớm từ 6h đi Hải Phòng, tôi tự tin sẽ mua được vé vì chắc mẩm tàu địa phương chỉ lèo tèo vài người mỗi toa. Nhưng khác với hình dung của tôi, nhìn lên tàu, toa nào toa nấy kín chỗ. Đành quay về, tôi quyết định đi chuyến 8h55. Nhưng không như dự đoán của tôi, tàu vẫn khá đông khách. |
Đó quả là điều lạ, bởi về đường bộ, tuyến QL5 chạy song song đường sắt dài khoảng 100km cũng khá thuận tiện. Về thời gian, vận tải khách đường bộ linh hoạt hơn nhiều, cứ 15 phút lại có một xe khách chất lượng cao xuất phát tại bến Lương Yên (Hà Nội), chưa kể xe tại các bến xe khác. Đầu Hải Phòng cũng vậy. Giá vé khách dao động từ 70 nghìn - 80 nghìn đồng/vé.
“Ngoài đầu tư về hạ tầng, rút ngắn thời gian hành trình, tới đây cần phải kết nối chặt chẽ giữa đường sắt - cảng - dịch vụ xếp dỡ, vận tải đường ngắn hai đầu và cả phía đường sắt Trung Quốc để hạ giá thành vận tải, tăng hiệu quả chuyên chở đường sắt trên tuyến Đông - Tây”. Ông Trần Văn Nam Phó tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, kiêm Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng |
Lý giải điều này, ông Trần Văn Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, kiêm Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hải Phòng cho biết, đó là do QL5 đã bão hòa nên tốc độ xe khách giảm, thời gian hành trình bị kéo dài, khoảng hơn 3 giờ. Trong khi đó thời gian hành trình tàu dao động từ 2 giờ 15 phút đến 2 giờ 45 phút. Hơn nữa, xe thường quay lòng vòng hai đầu để bắt khách và cả dọc đường nên gây tâm lý sốt ruột cho hành khách.
Còn từ phía hành khách, bác Kim (Xuân La, Hà Nội) nói: “Tôi thường xuyên đi lại tuyến Hà Nội - Hải Phòng bằng tàu vì an toàn, lại không bị say xe, giá vé rẻ hơn, được giảm giá cho người cao tuổi. Tôi thấy bây giờ tàu cũng mát mẻ, sạch sẽ hơn trước nhiều”.
Một nhóm sinh viên quê Hải Phòng cho biết, mặc dù các bạn không bị say xe nhưng các bạn vẫn thích đi tàu vì ngồi trên tàu thoải mái hơn, không bị gò bó, nhất là toa lạnh có nhà vệ sinh, khu vực rửa tay sạch sẽ. “Đợt 30/4 vừa rồi, tàu đông khách, chúng em phải mua ghế phụ nhưng cũng không đi ô tô, lèn như cá hộp, lại còn đánh võng, sợ lắm”, bạn Hưng, sinh viên Bách khoa nói.
Ngoài yếu tố khách quan từ phía đường bộ, theo ông Nam, còn do chất lượng phục vụ trên tàu đã được nâng cao hơn. “Chất lượng toa xe tuyến này kém, nhất là các toa xe ngồi cứng không điều hòa chưa được đầu tư sửa chữa, cải tạo lớn, độ xóc lắc còn cao. Trong khi đó, nhu cầu xe điều hòa lớn. Vì vậy, để bù lại, chúng tôi phải tập trung nâng cao chất lượng phục vụ trên tàu, dưới ga, đặc biệt là khâu vệ sinh toa xe”, ông Nam nói.
Với 8 toa xe mỗi đoàn tàu (hiện có bốn đoàn tàu mỗi chiều/ngày), hệ số chiếm chỗ trung bình khoảng trên 50%. Dịp cuối tuần, nghỉ lễ phải nối thành 13-15 xe/đoàn nhưng thường xuyên kín chỗ, thậm chí có chuyến phải bán nhiều ghế phụ. Tính riêng sản lượng 6 tháng đầu năm, hành khách lên tàu tăng khoảng 9% so với cùng kỳ. Như vậy, tiềm năng vận tải khách trên tuyến còn lớn.
Kết nối Đông - Tây, cơ hội lớn vận chuyển hàng hóa
6 tháng đầu năm, chỉ tính riêng ga Hải Phòng, sản lượng vận chuyển hàng hóa đạt 645.546 tấn, doanh thu hàng hóa bằng 105% so với cùng kỳ. Trong đó, chủ yếu là hàng đi tuyến Đông - Tây (Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai). Ngoài các mặt hàng phục vụ vận chuyển cho Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam như: apatit, DAP, lưu huỳnh… chiếm sản lượng lớn, thường xuyên, trên tuyến còn các mặt hàng xuất khẩu từ Hải Phòng lên Lào Cai xuất đi Trung Quốc hoặc ngược từ Trung Quốc về Hải Phòng rồi từ đó đi đường biển.
Tiềm năng vận chuyển hàng hóa trên tuyến càng được mở rộng khi Tổng Công ty Đường sắt VN kết nối lại với đường sắt Trung Quốc về hàng liên vận quốc tế đầu năm 2015 vừa qua. Ông Mạnh Đức Chinh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, việc vận chuyển hàng hóa từ các ga trên đường sắt Việt Nam đi các ga trên tuyến đường sắt Côn Minh đã trở lại bình hành và rất thuận lợi do đường sắt hai nước cùng sử dụng khổ đường 1.000 mm.
“Khách hàng có thể xếp hàng từ các ga trên đường sắt Việt Nam đi đến các ga trên đường sắt Trung Quốc (từ ga Sơn Yêu đến ga Thập Lý Thôn) không phải sang toa chuyển tải. Nếu khách hàng vận chuyển sâu vào nội địa Trung Quốc bằng các tuyến khác có thể chuyển tải sang toa tại ga Hà Khẩu Bắc”, ông Chinh nói.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Công ty TNHH Thương mại và khoáng sản Sông Cầu - khách hàng vận chuyển thường xuyên trên tuyến cho biết, hiện nay chất lượng phục vụ của đường sắt tốt hơn trước, tạo thuận lợi cho khách hàng, nhất là về cung cấp toa xe. Việc chạy tàu chuyên hành trình giúp giải phóng hàng nhanh nên công ty cũng chủ động hơn trong lưu thông hai đầu. “Nhu cầu hàng đi bằng đường sắt từ Hải Phòng đi Hà Nội, rồi đi Lào Cai rất lớn. Tuy nhiên, ngành đường sắt cần có chính sách giá linh hoạt hơn nữa, điều chỉnh nhanh chóng, kịp thời mới cạnh tranh được vận tải đường bộ”, ông Mạnh nói.
Nguồn: Báo Giao thông