http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 20/07/2015

Thanh tra yếu, TNGT đường sắt tăng

TTGT đường sắt đang hoạt động kém hiệu quả và gần như chỉ là bộ phận tham mưu công tác thanh tra an toàn.

 

 

  Bên cạnh công tác thanh kiểm tra, lực lượng thanh tra đường sắt còn tham gia tuyên truyền pháp luật ATGT

Yếu thẩm quyền, thiếu phương tiện và công cụ hỗ trợ, Thanh tra giao thông đường sắt lẽ ra phải là lực lượng chủ công trong đảm bảo ATGT đường sắt lại đang hoạt động kém hiệu quả và gần như chỉ là bộ phận tham mưu công tác thanh tra an toàn.

Vừa đi vừa đẩy

Cách đây chừng hơn hai năm, trong chuyến công tác cùng Ban Thanh tra đường sắt 1 của Cục Đường sắt VN, chiếc xe ô tô hiệu MUSSO chở PV Báo Giao thôngđang bon bon trên đường bỗng dừng khựng lại, khói um. Mấy anh em thanh tra đường sắt vội xuống đẩy xe vào lề đường và gọi thợ đến sửa. Chừng gần hai tiếng đồng hồ sau, thợ sửa mới đến và chuyến công tác tiếp tục được hành trình.

Ông Uông Đình Hùng, Phó Trưởng ban Thanh tra đường sắt 1 (nay là Phòng Thanh tra - An toàn đường sắt) chia sẻ, chiếc xe ô tô này có từ thời “cổ lai hy” rồi, điều hòa hỏng nên nhiều hôm như cái lò nướng. Đấy là Ban 1 được xếp vào loại ưu tiên mới được cấp xe ô tô đấy, các Ban, đội khác còn chẳng có phương tiện. Đi kiểm tra đường sắt phải vượt mấy chục cây số đường rừng đều bằng xe máy, vất vả lắm. Nhưng đi ô tô cũng chưa chắc đã hay, bởi lẽ trong 10 đội thanh tra, chỉ bốn đội có ô tô nhưng đều là xe đã sử dụng gần 20 năm nên cũ nát, hỏng hóc liên tục.

“Hôm trước mình đi Hưng Yên để kiểm tra, chiếc xe MUSSO năm trước bao lần “lăn quay” ra đường. Mất rất nhiều thời gian gọi thợ đến sửa chữa. Đến nay, chiếc xe đã “đắp chiếu” mấy tháng rồi”, ông Hùng nói.

Còn một điều khó khăn hơn là toàn bộ các Ban, Đội thanh tra đường sắt đều phải đi mượn trụ sở của công ty quản lý đường sắt đóng tại các địa phương. Điều đáng nói là các công ty quản lý này lại là đối tượng bị thanh tra. Chuyện tế nhị, nhưng đã tồn tại nhiều năm nay, chưa có ai tháo gỡ.

Khó trăm bề

Không trụ sở, không con dấu, thẩm quyền yếu, phương tiện thiếu và yếu như thế tỉ lệ thuận với hiệu quả công tác thanh tra đường sắt.

Theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010, các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành không thành lập cơ quan thanh tra độc lập mà chỉ thành lập bộ phận tham mưu làm công tác thanh tra chuyên ngành. Do đó, từ ngày 1/4/2014, lực lượng Thanh tra đường sắt chuyển thành bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành đường sắt.

 

Với lực lượng thanh tra đường sắt hiện nay, mỗi cán bộ công chức làm công tác thanh tra đang phải quản khoảng hơn 100 km đường sắt. Trong khi đường sắt có đặc thù đi qua nhiều khu vực rừng núi heo hút, vắng vẻ, phương tiện và trang thiết bị phục vụ công tác không có nên rất vất vả trong hoạt động.

 

Cơ cấu tổ chức của bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành đường sắt thuộc Cục Đường sắt VN được biên chế 63 công chức; tổ chức thành bốn phòng và 10 Đội Thanh tra - An toàn.

Ông Nguyễn Giang Hải, Đội trưởng Đội Thanh tra - An toàn số 1 phụ trách an toàn tuyến đường sắt phía Tây cho biết, khi chuyển sang nhiệm vụ tham mưu công tác thanh tra, công việc hiện nay của Đội gần như tăng gấp đôi so với trước đây, nhưng phụ cấp lại không có. “Khó khăn nhất của chúng tôi là hoạt động không có phương tiện, không có trụ sở, thẩm quyền yếu, trong khi công việc bảo đảm ATGT, an toàn đường sắt ngày càng nặng nề”, ông Hải than.

Ông Uông Đình Hùng cho biết thêm, chính vì các Đội Thanh tra - An toàn phải đang phải đi ở nhờ trụ sở của các đơn vị đường sắt - là đối tượng bị thanh tra nên nhiều khi cũng không dám làm “căng” dù phát hiện vi phạm, ảnh hưởng rất lớn tới sự chủ động và cương quyết trong hoạt động thanh tra và kiểm tra. Đồng thời, không có nơi lưu giữ, bảo quản tang vật vi phạm, nên không thực hiện được biện pháp bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, phải xử phạt, thu tiền tại chỗ.

Cũng do thiếu phương tiện, nên khi nhận được thông tin về vụ tai nạn đường sắt, lực lượng thanh tra tại các đội cũng phải rất vất vả mới đến được hiện trường. Ông Hải cho biết thêm, nhiều cuộc thanh kiểm tra do không có phương tiện nên anh em phải đi bằng tàu hỏa. Nhưng có những cuộc kiểm tra dọc đường lại phải liên hệ với đơn vị bị thanh tra để... mượn phương tiện đi lại. Thế thì còn đâu là quyền uy của cuộc thanh kiểm tra nữa?

Theo thống kê, công tác xử phạt vi phạm hành chính trong thời gian qua tập trung vào nhóm đối tượng là những cá nhân sinh sống dọc hai bên đường sắt, có các hành vi vi phạm về hành lang, phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và các cá nhân không chấp hành quy tắc giao thông đường sắt. Phạt 85% là người dân, 8% là nhân viên đường sắt, 3% là đơn vị trong ngành Đường sắt...

 

Trong khi đó, theo phân tích, số vụ TNGT do nguyên nhân chủ quan trong ngành đang tăng đến 100% chỉ trong ba tháng đầu năm. 

Nguồn: Báo An toàn Giao thông