http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 29/02/2016

Phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh

Phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 6/6/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký ban hành Quyết định số 1556/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh.

Mục tiêu của Quy hoạch nhằm chi tiết hoá Quy hoạch tổng thể, là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án nhằm hoàn thiện mạng tuyển đường sắt, cũng như vị trí, quy mô các khu vực ga lớn, các đề pô đầu máy, toa xe, các cơ sở công nghiệp phục vụ vận tải đường sắt trong đầu mối đường sắt khu vực thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận; làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt trong khu đầu mối thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể đến năm 2020, quy hoạch các tuyến đường sắt:

Tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng (Sài Gòn): Đoạn tuyến từ Trảng Bom đến Phước Tân, tuyến đi song song với tuyến đường bộ tránh thành phố Biên Hòa; đoạn tuyến từ Phước Tân về Dĩ An, tuyến cắt qua Quốc lộ 51 rồi về ga Biên Hòa mới, đi tiếp bên trái và song song Quốc lộ 51 về phía thành phố Hồ Chí Minh, vượt qua sông Đồng Nai tại vị trí cách cầu đường bộ Đồng Nai hiện tại 30m về phía hạ lưu, đi song song với xa lộ Hà Nội, rẽ phải vượt qua xa lộ Hà Nội, sau đó đi song song về bên phải tỉnh lộ 743 đến Km1703+500 tuyến rẽ trái và cắt qua tỉnh lộ 743 về ga Dĩ An. Đoạn tuyến từ ga Dĩ An về ga Sài Gòn tuyến đi theo hướng tuyến của đường sắt Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh. Chiều dài tuyến từ ga Phước Tân đến ga Hòa Hưng (Sài Gòn) là 39,07 km.

Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu: Đoạn tuyến từ Trảng Bom đến Phước Tân đi song song với tuyến đường bộ tránh thành phố Biên Hòa; đoạn tuyến từ Phước Tân đến hết tỉnh Đồng Nai, tuyến đi song song chung hành lang với đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu; đoạn tuyến bắt đầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tới ga Tiền Cảng Thị Vải, đi trong hành lang kỹ thuật rộng 200m của thị trấn Phú Mỹ, đi qua khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 chuyển hướng rẽ phải cắt qua QL51 và đi bên trái đường ống dẫn khí đốt tới ga Tiền Cảng Thị Vải có 2 nhánh nối ray vào cụm cảng Cái Mép và cụm cảng Thị Vải. Chiều dài toàn tuyến là 107,0 km và chiều dài tuyến từ ga Trảng Bom đến ga Tiền Cảng Thị Vải là 54,65 km.

Tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh: Bắt đầu từ ga Dĩ An, tuyến đi bên phải đường bộ Mỹ Phước - Tân Vạn đến Km2+200 đi trên nền đường sắt cũ, đến Km4+900 rẽ trái và đi song song với nền đường sắt cũ về phía nam (cách nền đường sắt cũ 200m), tới Km10+700 rẽ phải cạnh khu công nghiệp Bình Chuẩn và giáp phía đông Khu quân sự, đến Km14+100 tuyến đi dọc ranh phía đông khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương tới Km26+800 và về ga Chánh Lưu là ga cuối của ranh đầu mối. Chiều dài toàn tuyến là 128 km và chiều dài tuyến từ ga Dĩ An đến ga Chánh Lưu là 31,90 km.

Tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ: kết nối với tuyến đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng tại ga lập tàu An Bình, sau đó tuyến đi qua huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương); quận Thủ Đức, quận 12, huyện Hóc Môn, quận Bình Tân, huyện Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh); huyện Bến Lức, thành phố Tân An (tỉnh Long An); phạm vi kết thúc nghiên cứu khu vực đầu mối tại thành phố Tân An, tỉnh Long An. Chiều dài toàn tuyến là 174,0 km và chiều dài tuyến từ ga An Bình đến ga Tân An là 62,20 km.

Tuyến đường sắt mới thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang: Từ ga Thủ Thiêm tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đi song song về bên phải đường bộ cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Chiều dài toàn tuyến là 366 km và chiếu dài tuyến trong phạm vi nghiên cứu từ ga Thủ Thiêm đến ga Bình Sơn là 32,09 km.

Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hành không quốc tế Long Thành: Từ ga Thủ Thiêm, đi song song về bên phải đường bộ cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang; đến Km9+200 tuyến rẽ phải, đi song song về bên trái đường vành đai 3 và vượt sông Đồng Nai, đi vào giải phân cách bên trái của đường vành đai 3 theo quy hoạch của huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, sau đó rẽ trái và đi vào giải phân cách giữa đường tỉnh lộ 25B, tới Km29+100 rẽ phải tách ra khỏi tỉnh lộ 25B và đi vào hướng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chiều dài tuyến 37,35 km.

Tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Tây Ninh: Được kết nối với đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho – Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp, tuyến đi qua quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh); huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh). Chiều dài toàn tuyến là 139 km và chiều dài tuyến từ ga Tân Chánh Hiệp đến ga Trảng Bàng là 39,865 km.

Tuyến đường sắt chuyên dụng ra cảng Hiệp Phước: Điểm đầu từ ga Long Định của đường sắt tốc độ cao thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Thơ - Cần Thơ, đi song song với đường vành đai 4, giao cắt với quốc lộ 50, vượt sông Cần Giuộc đi vào ga Tiền Cảng Hiệp Phước. Từ đây tuyến rẽ 2 nhánh đi vào cảng Hiệp Phước thuộc huyện Nhà Bè và khu cảng Đông Nam Á của tỉnh Long An. Chiều dài tuyến từ ga Long Định đến ga Cảng Hiệp Phước và ga Cảng Long An là 38,11 km…

Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và các địa phương có liên quan tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu cụ thể hóa các mục tiêu và triển khai thực hiện.

Giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường vai trò quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt; chủ động đề xuất các chương trình, kế hoạch, các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt theo quy hoạch được duyệt; phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường sắt Việt Nam và các địa phương có đường sắt đi qua quản lý chặt chẽ kết cấu hạ tầng đường sắt và hành lang an toàn đường sắt.

Nguồn: mt.gov.vn

File đính kèm: 1556QD_06062013.pdf