http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 29/02/2016

Chiến lược và Quy hoạch phát triển đường sắt

Chiến lược và Quy hoạch phát triển đường sắt
Mục tiêu của Chiến lược và Quy hoạch nhằm phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao; bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả; tạo thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường...

Mục tiêu của Chiến lược và Quy hoạch nhằm phát triển hệ thống giao thông vận tải đường sắt đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng, tổ chức quản lý khai thác vận tải, công nghiệp và dịch vụ với trình độ cao; bảo đảm hoạt động giao thông vận tải đường sắt thông suốt, trật tự, an toàn, chính xác, nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả; tạo thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Trong đó:

- Giai đoạn đến năm 2020:

Đáp ứng khoảng 1% - 2% thị phần vận tải hành khách và 1% - 3% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng được khoảng 4% - 5% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tập trung đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường sắt hiện có; đồng thời, nâng cấp, cải tạo các nhà ga đường sắt trọng điểm, các nhà ga có lượng hành khách lớn; từng bước xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, đầu tư xây dựng nút giao khác mức tại các điểm giao cắt có lưu lượng giao thông lớn. Nghiên cứu phương án xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao, đường đôi khổ 1.435mm, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, trong đó chuẩn bị các điều kiện cần thiết để từng bước ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn. Nghiên cứu phương án xây dựng mới các tuyến có nhu cầu vận tải lớn, phù hợp với quy hoạch và khả năng huy động vốn. Đẩy  nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Tập trung phát triển các loại sản phẩm; đóng mới các loại toa xe theo hướng hiện đại, đủ tiện nghi, đa dạng về chủng loại để sử dụng trong nước và xuất khẩu. Chế tạo một số phụ tùng, linh kiện và lắp ráp được các loại đầu máy hiện đại.

- Giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030:

Đáp ứng khoảng 3% - 4% thị phần vận tải hành khách và 4% - 5% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng khoảng 15% - 20% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Khai thác có hiệu quả đường sắt hiện có; xóa bỏ các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt. Triển khai xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao (trước mắt khai thác tốc độ chạy tàu từ 160-200km/h), đường đôi khổ 1.435milimét, điện khí hóa, hạ tầng tuyến có thể đáp ứng khai thác tốc độ cao tốc 350km/h trong tương lai, ưu tiên xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn trên trục Bắc - Nam theo khả năng huy động vốn. Nghiên cứu, xây dựng các tuyến đường sắt có nhu cầu vận tải lớn, các tuyến nối với các cảng biển lớn, khu công nghiệp, du lịch... Tiếp tục xây dựng và đưa vào khai thác các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại cho các cơ sở công nghiệp đầu máy, chế tạo toa xe, sản xuất ray, phụ kiện và phụ tùng thay thế đạt mức tiên tiến trong khu vực.

- Tầm nhìn đến năm 2050:

Đáp ứng tối thiểu 5% - 8% thị phần vận tải hành khách và 5% - 6% thị phần vận tải hàng hóa; đáp ứng được trên 30% thị phần vận tải hành khách đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1.435mm trên trục Bắc - Nam; sau năm 2050 triển khai tổ chức khai thác tốc độ cao tốc 350km/h; hiện đại hóa mạng lưới đường sắt hiện có đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hành khách địa phương và hàng hóa; hoàn thành việc xây dựng đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển lớn. Hoàn chỉnh mạng đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn khác theo quy hoạch được duyệt.

Phát triển các cơ sở công nghiệp đầu máy, chế tạo toa xe, sản xuất ray, phụ kiện và phụ tùng thay thế theo hướng hiện đại. Lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sản phẩm.

Căn cứ định hướng nêu trên, Bộ GTVT đã xây dựng và ban hành kế hoạch hành động để giao nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị tổ chức triển khai thực hiện; theo đó, tập trung vào một số vấn đề chính như sau:

1. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt

- Tập trung hoàn thành sửa đổi Luật Đường sắt năm 2005 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành;

- Rà soát lại các quy hoạch đường sắt để điều chỉnh (nếu cần thiết) như quy hoạch đường sắt khu vực đầu mối Hà Nội, khu vực đầu mối thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch chi tiết các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt… Nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tại một số ga đường sắt có tiềm năng để kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Đồng thời, triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2477/QĐ-BGTVT ngày 09/7/2015;

- Tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 21/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện Đề án đổi mới toàn diện công tác quản lý nhà nước của Cục Đường sắt Việt Nam theo Quyết định số 2898/QĐ-BGTVT ngày 31/7/2014 của Bộ GTVT.

- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật.

2. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt

- Đối với các tuyến đường sắt hiện có (đặc biệt là tuyến đường sắt Bắc – Nam): giao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất kế hoạch thực hiện cải tạo, nâng cấp nhằm khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có.

- Đối với các đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam: giao Ban Quản lý dự án đường sắt và các Vụ tham mưu (Vụ Kế hoạch – Đầu tư và Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư) rà soát các nghiên cứu trước đây về dự án để hoàn thiện báo cáo chủ trương đầu tư dự án, dự kiến năm 2018 trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.

- Đối với tuyến đường sắt mới khổ 1.435 mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng: giao Vụ Kế hoạch – Đầu tư và Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư chủ trì tham mưu chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt nghiên cứu đề xuất dự án làm căn cứ xúc tiến đầu tư, tìm kiếm nguồn vốn khả thi để triển khai dự án; dự kiến trước 2020 trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án.

- Giao Ban Quản lý đầu tư các dự án đối tác công tư chủ trì, phối hợp với các nhà đầu tư quan tâm triển khai các dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa, trước mắt tập trung vào một số dự án tiềm năng: Dự án đường sắt vào cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Dự án đường sắt Hà Nội - Hải Phòng; Dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu; Dự án di dời ga Đà Nẵng. Giao Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với KOICA và các đơn vị liên quan nghiên cứu thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu khả thi đường sắt Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ.

- Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.

3. Phương án huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt nhằm tăng thị phần vận tải, cụ thể như sau:

- Chủ động bố trí vốn từ ngân sách; có cơ chế đặc thù để huy động tối đa vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước như vốn ODA, vốn ưu đãi của Chính phủ các nước, phát hành trái phiếu Chính phủ... để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt nội - ngoại ô, đường sắt huyết mạch trọng yếu như tuyến đường sắt Bắc - Nam, tuyến đường sắt Đông - Tây.

- Đẩy mạnh chính sách xã hội hóa trong kinh doanh vận tải đường sắt, dịch vụ hỗ trợ vận tải; thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phương tiện vận tải, các công trình hỗ trợ cho hoạt động vận tải (như: ke, kho, bãi hàng, phương tiện xếp dỡ…).

- Có cơ chế hỗ trợ các cơ sở công nghiệp đường sắt đầu tư nhập khẩu dây chuyền công nghệ mới hiện đại của các nước tiên tiến, theo chương trình cơ khí trọng điểm nhà nước để hình thành các cơ sở công nghiệp lắp ráp đầu máy, sản xuất toa xe và các phụ tùng, phụ kiện đường sắt, từng bước thay thế các phương tiện vận tải lạc hậu, công suất nhỏ, tiêu tốn năng lượng.

4. Về phát triển vận tải đường sắt: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chủ động phát triển, gắn kết kinh doanh vận tải đường sắt với kinh doanh ngoài vận tải đường sắt tại các ga đường sắt nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng

5. Về phát triển công nghiệp đường sắt: Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đẩy mạnh phát triển công nghiệp lắp ráp đầu máy; phát triển công nghiệp đóng mới toa xe tại các đơn vị của ngành đường sắt. Tạo mọi điều kiện cho các đơn vị mở rộng hợp tác, liên danh, liên kết trong và ngoài nước để huy động vốn, chuyển giao công nghệ, trao đổi kinh nghiệm quản lý, điều hành và thực hiện tăng tỷ lệ nội địa hóa trong lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe, thiết bị, vật tư phụ tùng phục vụ ngành đường sắt, phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ nội địa hóa từ 40% - 60%.

6. Về phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực đường sắt: Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, phân cấp kỹ thuật trong lĩnh vực đường sắt. Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn trong lĩnh vực đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao; nghiên cứu các tiêu chuẩn đường sắt do UIC biên soạn để áp dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

7. Triển khai đồng bộ các giải pháp theo định hướng chiến lược đã được phê duyệt như: Phát triển nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác quốc tế, đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Nguồn:mt.gov.vn

File đính kèm: 2477__QĐ._BGTVT.pdf