Ngày 18/6/2012, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng đã ký ban hành Quyết định số 1399/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm cụ thể hoá quy hoạch tổng thể, là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án nhằm hoàn thiện mạng tuyến đường sắt, cũng như vị trí, quy mô các khu vực ga lớn, các Depo đầu máy, toa xe, các cơ sở công nghiệp phục vụ vận tải đường sắt trong khu vực đầu mối đường sắt Hà Nội và vùng phụ cận; sơ bộ xác định được quỹ đất cần thiết cho các dự án sẽ xây dựng theo quy hoạch, là căn cứ để đăng ký quy hoạch sử dụng đất với các địa phương liên quan.
Quy hoạch đường sắt khu vực đầu mối TP. Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ bao gồm 10 trục chính đường sắt quốc gia xuyên tâm và hướng tâm; 08 tuyến đường sắt quốc gia đi theo hướng vành đai; các cầu vượt sông Hồng và sông Đuống...
Theo đó, giai đoạn từ 2012 đến 2015 sẽ đầu tư tuyến xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi giai đoạn 1; vành đai phía Đông Bắc Việt Hùng - Lạc Đạo và một phần vành đai phía Tây Bắc từ Đông Anh đến Việt Hùng; các khu ga Ngọc Hồi, Hà Nội, Lạc Đạo; cầu Kim Sơn vượt sông Đuống; các nút giao khác mức với đường bộ trên tuyến xuyên tâm và các tuyến vành đai.
Giai đoạn từ 2015 đến 2020 đầu tư tuyến xuyên tâm Yên Viên - Ngọc Hồi giai đoạn 2; vành đai phía Đông Lạc Đạo - Ngọc Hồi, phần còn lại của vành đai phía Tây Bắc từ Thạch Lỗi đến Đông Anh; các khu ga Việt Hùng, Lạc Đạo giai đoạn 2; cầu Mễ Sở vượt sông Hồng; các nút giao khác mức với đường bộ trên tuyến xuyên tâm và các tuyến vành đai.
Giai đoạn từ 2020 đến 2030 đầu tư vành đai phía Tây Ngọc Hồi - Thạch Lỗi; khu ga Tây Hà Nội; cầu Hồng Hà vượt sông Hồng; các nút giao khác mức với đường bộ trên tuyến xuyên tâm và các tuyến vành đai.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và các địa phương có liên quan tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu cụ thể hóa các mục tiêu và triển khai thực hiện.
Giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường vai trò quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt; chủ động đề xuất các chương trình, kế hoạch, các dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt theo quy hoạch được duyệt; phối hợp với Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Cục Đường sắt Việt Nam và các địa phương có đường sắt đi qua quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt và hành lang an toàn đường sắt.
Nguồn: mt.gov.vn