Ngày 20/2/2012, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Mạnh Hùng đã ký ban hành Quyết định số 348/QĐ-BGTVT phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng hệ thống giao cắt giữa đường sắt với đường bộ trên mạng đường sắt Việt Nam.
Quy hoạch hệ thống giao cắt đường sắt với đường bộ đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 gồm toàn bộ các điểm giao cắt giữa đường sắt thuộc hệ thống đường sắt quốc gia Việt Nam với đường bộ được xếp vào cấp; các điểm giao cắt đã cấp phép (giao bằng); các điểm giao cắt không được cấp phép được nghiên cứu gom gộp vào các điểm giao cắt khác với khoảng cách phù hợp thông qua hệ thống đường gom.
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm giao cắt giữa Đường sắt - Đường bộ và hành lang an toàn giao thông đường sắt; nghiên cứu tổng thể về giao cắt giữa các đường sắt và đường bộ trên toàn mạng lưới đường sắt quốc gia Việt Nam; xác định quy mô xây dựng công trình tại vị trí giao cắt và hành lang an toàn giữa Đường sắt - Đường bộ; định hướng đầu tư cho các dự án, làm cơ sở cho các hoạt động xây dựng tiếp theo.
Theo Quy hoạch, từ năm 2012 đến 2015 xây dựng hàng rào ngăn cách đường sắt với đường bộ và đường sắt với khu dân cư, các đường gom dân sinh; xây dựng các đường ngang làm mới và nâng cấp một số đường ngang thường xảy ra mất an toàn giao thông; xây dựng các hầm chui dân sinh với các điểm giao cắt khác mức và ưu tiên các điểm giao cắt thường xẩy ra ùn tắc giao thông trên đường bộ, vùng gần khu đô thị, thành phố với các nút giao khác mức. Từ 2015 đến 2020 xây dựng các điểm giao cắt còn lại, bao gồm: Các đường ngang nâng cấp; các điểm giao cắt giao cắt khác mức còn lại.
Bộ Giao thông vận tải giao Vụ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các chủ dự án được giao xây dựng các nút giao cắt nghiên cứu cơ chế, chính sách và các hình thức huy động các nguồn vốn để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia xây dựng các nút giao cắt theo quy hoạch được duyệt bằng các hình thức nhà nước đầu tư, BOT, BT, liên doanh, tự đầu tư... theo quy định của pháp luật.
Theo Quyết định, Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì phối hợp với Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và các địa phương có các nút giao cắt: Tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt; nghiên cứu cụ thể hóa các mục tiêu và triển khai thực hiện bằng các chương trình, các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch.
Nguồn: mt.gov.vn