Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa và Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông
cùng Trưởng tàu thăm hỏi hành khách trên tàu
Vị khách bất ngờ
5h50' ngày 10/12, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã có mặt tại ga Hà Nội, lên tàu để khảo sát thực tế tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh (Nghệ An).
6h, chuyến tàu SE7-8 khởi hành, Bộ trưởng đã trực tiếp quan sát các toa xe, ghế ngồi trên các toa tàu, ân cần đến từng ghế ngồi, giường nằm để hỏi thăm nhiều hành khách. Bộ trưởng hỏi một nhóm hành khách trên toa ghế cứng xem hành khách đi lộ trình nào, có đóng góp ý kiến gì về giá cả, chất lượng phục vụ của đường sắt.
Vui vẻ cho biết chất lượng phục vụ ngành Đường sắt những năm gần đây đã có sự chuyển biến vượt bậc, chị Lê Thị Thanh Huyền (trú ở Văn Quán, Hà Đông) ngồi cạnh con gái nhỏ bất ngờ khi được biết, người vừa ghé qua toa tàu, hỏi thăm từng hành khách là Bộ trưởng Bộ GTVT.
“Tôi sống ở Hà Nội nhưng quê ở Nam Định nên thường xuyên về quê. Gia đình tôi có xe ô tô riêng, xe khách tuyến Hà Nội – Nam Định chất lượng cũng tốt, nhưng tôi vẫn chọn đi tàu vì chỗ ngồi rộng, trong quá trình di chuyển trẻ nhỏ như con tôi có thể đi lại, vệ sinh thoải mái, gọi đồ ăn uống dễ dàng…”, chị Huyền nói.
Bộ trưởng tặng hoa cho một nữ nhân viên nhà ga Thanh Hóa
Trưởng tàu Trần Xuân Hùng cho hay, trước khi tàu chạy, tổ phục vụ tàu lên họp bàn giao mới biết thông tin hôm nay có Bộ trưởng Bộ GTVT “vi hành” trên tuyến. “Chúng tôi vẫn triển khai nhiệm vụ bình thường như mọi ca trực khác. Những năm gần đây, do cạnh tranh khốc liệt của các loại hình vận tải, chất lượng phục vụ trên tàu đã được nâng cao, từ công tác tiếp thị, bán vé tại nhà ga đến phục vụ trên tàu. Như các bữa ăn trên tàu không còn chuẩn bị “công nghiệp” sẵn như trước đây, mà nhân viên sẽ đến từng toa hỏi từng hành khách có nhu cầu ăn gì để phục vụ. Tổ phục vụ tàu luôn sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của hành khách 24/24h”, ông Hùng nói.
Tàu đến ga Ninh Bình, rồi ga Thanh Hóa, Bộ trưởng cùng đoàn công tác đều tranh thủ xuống tàu kiểm tra thực trạng nhà ga, hỏi han nhân viên đường sắt mặt đất về công việc, lắng nghe các ý kiến đề xuất của lãnh đạo, nhân viên trong ngành.
Phát huy tiềm năng đường sắt
Theo Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa, ngành Đường sắt có tiềm năng lớn, nhưng hiện chưa khai thác hết hiệu quả vốn có, do đó cần tăng cường khảo sát thực tế, nghiên cứu và triển khai các giải pháp, đầu tư phát triển đường sắt để giảm tải cho đường bộ; đồng thời cũng để phát triển toàn diện các lĩnh vực GTVT. Chuyến khảo sát thực tế tuyến đường sắt Hà Nội - Vinh hôm nay cũng để đáp ứng yêu cầu đó.
Bộ trưởng trao đổi với lãnh đạo ngành Đường sắt về những giải pháp phát huy hiệu quả khai thác vận tải đường sắt
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tuyến đường sắt Hà Nội – Vinh có chiều dài 319 km, trên tuyến có 37 ga, có 2 đường nhánh và 6 đường chuyên dùng kết nối vào đường sắt quốc gia. Hiện luồng hành khách tương đối ổn định, nhưng luồng hàng có xu hướng sụt giảm mạnh. Chỉ riêng ga Trường Lâm sản lượng năm 2016 tăng lên do năm 2016 có Tập đoàn xi măng Công Thanh ký hợp đồng vận chuyển với Đường sắt. Tuy nhiên các mặt hàng xi măng chủ yếu xếp đi các ga trên tuyến phía Nam (đi qua ga Vinh) nên phụ thuộc nhiều vào năng lực của toàn tuyến và năng lực xếp dỡ của các ga.
Tại ga Vinh, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ GTVT quan tâm đến đường sắt trên địa bàn bởi Nghệ An có nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, đầu mối cảng biển, là nơi trung chuyển hàng hóa Bắc – Nam. Ông Điền đề nghị mở giờ chạy tàu ban ngày cho tàu chở khách trên tuyến Hà Nội – Vinh để đáp ứng yêu cầu của hành khách.
Đoàn công tác Bộ GTVT nghe các phương án cải tạo, xây dựng tuyến nối đường sắt tại ga Khoa Trường
Về ý kiến này, Bộ trưởng Nghĩa cho hay, Bộ GTVT đang làm kế hoạch tổng thể nâng cao hiệu quả đường sắt Hà Nội – Vinh bởi tiềm năng hành khách, hàng hóa của tuyến vận tải này rất lớn. Với những đầu tư cơ sở hạ tầng trước mắt như mở rộng kho hàng, nâng cấp sân ga.., UBND tỉnh có thể cân đối ngân sách địa phương để đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Còn về điều chỉnh giờ tàu chạy thì phải do UBND TP. Hà Nội quyết định.
Bộ trưởng và đoàn công tác gặp gỡ cán bộ, nhân viên ga công nghiệp Bỉm Sơn
Tại ga Khoa Trường (Thanh Hóa), sau khi nghe lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn trình bày các phương án xây dựng tuyến đường sắt từ ga Khoa Trường kết nối cảng biển Nghi Sơn và di dời ga Khoa Trường ra khỏi Khu kinh tế, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, việc nâng cấp ga Khoa Trường và hoạch định tuyến đường sắt từ ga Khoa Trường vào cảng biển Nghi Sơn là cần thiết. “Ga Khoa Trường hiện rất chật, đường vào khó khăn, do đó nếu mở rộng được ra gần QL1 thì rất tốt. Diện tích đất từ QL1A vào ga không nhiều, nếu thu xếp được thì rất thuận lợi cho việc mở rộng, cải tạo ga; còn đường vào ga thì có thể giao cho doanh nghiệp trong khu kinh tế hoặc cảng đầu tư”, Thứ trưởng Đông nói.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa không đồng tình với phương án nắn tuyến đường sắt ra khỏi Khu kinh tế Nghi Sơn vì như thế rất tốn kém. “Cần nghiên cứu lại phương án ngắn để đấu nối, ga vẫn nằm trong Khu kinh tế. Ga Khoa Trường cần sớm được cải tạo, nâng cấp để trở thành ga hàng hóa phục vụ tốt cho nhu cầu vận chuyển của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, còn đường sắt kết nối ga với cảng biển có thể xã hội hóa”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại ga công nghiệp Bỉm Sơn, Bộ trưởng cho biết hiện Nhà máy xi măng Bỉm Sơn giao lại toàn bộ cơ sở hạ tầng cho đường sắt. “Toàn bộ cơ sở này đã được giao cho đường sắt với giá 0 đồng. Để “nuôi” được ga này “sống”, thì ngành đường sắt phải tự đi tìm khách hàng, chứ không thể ngồi chờ”, Bộ trưởng chỉ đạo.