6 tháng đầu năm 2016, TNGT đường sắt giảm sâu ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015.
Đầu năm 2015, tình hình tai nạn và sự cố chạy tàu trong lĩnh vực giao thông đường sắt gia tăng nghiêm trọng, nhất là các vụ tai nạn do người tham gia giao thông đường bộ vượt ẩu qua đường sắt. Vì vậy, Tổng công ty Đường sắt VN đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh, thành có đường sắt đi qua về tăng cường phối hợp nhằm kéo giảm TNGT.
Kết quả của việc làm này là 6 tháng đầu năm 2016, TNGT đường sắt giảm sâu ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, số vụ TNGT đường sắt do nguyên nhân khách quan giảm 34 vụ, tương đương 14,7%. Rõ ràng, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương đã đem lại hiệu quả rõ nét trong việc kéo giảm TNGT đường sắt.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, vấn đề bảo đảm hành lang ATGT đường sắt vẫn chưa được thực hiện quyết liệt. Tại các đoạn đường sắt song song liền kề đường bộ, rất phổ biến tình trạng các cửa hàng, doanh nghiệp bám mặt đường bộ để kinh doanh, để vật liệu, sản phẩm vi phạm khổ giới hạn an toàn đường sắt. Ngoài ra, để lấy lối đi từ đường bộ qua đường sắt vào cửa hàng, họ ngang nhiên đổ đá, kê tấm đan trên đường sắt, đe dọa an toàn chạy tàu như dọc đoạn đường từ Lê Duẩn - Giải Phóng đến Thường Tín (Hà Nội), khu vực Ý Yên (Nam Định)…
Một cán bộ làm công tác an toàn doanh nghiệp đường sắt địa phương chia sẻ, mỗi lần ra quân dẹp vừa mất thời gian, vừa tốn kém, bao nhiêu lực lượng tham gia. Ngoài CBCNV đường sắt trực tiếp thực hiện còn có CSGT, tự vệ địa phương, chính quyền địa phương, TTGT… Không thế, người dân làm ầm lên, thậm chí chống đối, không làm được. “Nhưng cứ ra quân dẹp xong, chỉ một thời gian lại đâu hoàn đấy. Mình là doanh nghiệp, chỉ nhắc dân được thôi, không có chức năng xử phạt. Cái chính vẫn là chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, phường…”, vị cán bộ này than thở.
Còn theo một TTGT đường sắt, quyền xử phạt của TTGT đường sắt rất hạn chế, số tiền xử phạt chẳng “thấm” gì so với lợi nhuận nên nhiều chủ cửa hàng sẵn sàng nộp phạt, sau đó tiếp tục vi phạm. Cũng theo vị thanh tra này, “chính quyền địa phương ngay đấy, sát với dân, luật quy định có chức năng, trách nhiệm phải kiểm tra, kiểm soát, xử phạt hành chính những hành vi vi phạm giao thông đường sắt trên địa bàn. Rồi CSGT nữa. Họ mà tích cực, quyết liệt thì dân đâu dám ngang nhiên vi phạm như vậy…”.
NGuồn: Báo giao thông