Luật Đường sắt 2005 được Quốc hội thông qua từ năm 2005, tuy nhiên, qua thực tế thi hành đã bộc lộ những tồn tại bất cập, cần phải bổ sung sửa đổi phù hợp thực tiễn.
Luật cũ không còn phù hợp
Ông Nguyễn Huy Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN cho biết, từ năm 2006 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và 14 luật, pháp lệnh trong đó có những quy định liên quan đến một số nội dung trong Luật Đường sắt 2005. Vì vậy cần thiết phải điều chỉnh một số nội dung đã quy định của Luật Đường sắt 2005 để phù hợp với nội dung Hiến pháp 2013 và các luật, pháp lệnh mới ban hành. Hơn nữa, một số quy định của Luật Đường sắt 2005 quá chi tiết, cụ thể mang tính kỹ thuật chuyên ngành thuần túy cần được chỉnh sửa chuyển thành các quy định trong văn bản QPPL dưới Luật để phù hợp với thực tiễn và linh hoạt trong quá trình thực thi.
Theo Phó Cục trưởng Cục Đường sắt VN Nguyễn Huy Hiền, bất cập nhất hiện nay chính là việc không rõ chủ thể quản lý hạ tầng đường sắt, chồng lấn trong quản lý Nhà nước và DN, từ đó dẫn đến lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, độc quyền trong kinh doanh đường sắt và đường sắt bị tụt hậu. Vì vậy, Luật Đường sắt mới sẽ định hướng làm sao để phân định rõ chủ thể quản lý, thúc đẩy tái cơ cấu và khuyến khích đầu tư vào đường sắt.
|
Đơn cử các Điều 27, 28, 29, 31, 35 của Luật Đường sắt 2005 đã quy định chi tiết, cụ thể các giá trị của phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang ATGT đường sắt. Việc quy định này là cần thiết. Tuy nhiên, nếu quy định cụ thể trong Luật sẽ rất khó khăn khi cần điều chỉnh giá trị cụ thể đối với phạm vi này; Mặt khác khi có sự thay đổi về giá trị phù hợp với thực tiễn sẽ không linh hoạt trong quá trình thực thi.
Luật Đường sắt 2005 (Điều 5) cũng mới chỉ nêu nguyên tắc khuyến khích tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh vận tải đường sắt; Nhà nước đảm bảo môi trường lành mạnh không phân biệt đối xử, bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và kinh doanh đường sắt. Mặc dù vậy, thời gian qua còn một số vấn đề chưa thực hiện được vì hiện nay, về bản chất chỉ có một chủ thể vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, vừa kinh doanh vận tải đường sắt và vừa điều hành vận tải đường sắt. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế chính sách ưu đãi cho các DN trong và ngoài nước kinh doanh vận tải trên đường sắt quốc gia dẫn đến dịch vụ vận tải đường sắt thiếu cạnh tranh nên ngày một mất dần thị phần.
Luật Đường sắt 2005 chưa có quy định về loại hình đường sắt tốc độ cao. Để có cơ sở và căn cứ pháp lý khi đầu tư xây dựng loại hình đường sắt này, cần thiết phải bổ sung một chương quy định về đường sắt tốc độ cao trong dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi).
Sớm ban hành Luật mới
Hiện tại, Cục Đường sắt VN đang tiếp tục lấy ý kiến các bên liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), trình Bộ GTVT để trình Chính phủ trong tháng 6 tới. Phó Cục trưởng Nguyễn Huy Hiền cho biết thêm, Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bao gồm 9 Chương với 93 Điều quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc, chính sách, quy hoạch phát triển đường sắt và quản lý Nhà nước về đường sắt, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt, nhất là quy định về đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.
“Hơn nữa, Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ thay cụm từ “phân định” bằng cụm từ “tách bạch” kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt. Hiện nay, DN kinh doanh đường sắt đang thực hiện quá trình tái cơ cấu, tuy nhiên việc kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư vẫn do một DN tổ chức quản lý và thực hiện. Hoạt động này gần như khép kín trong nội bộ DN dẫn đến hạn chế công tác quản lý, sử dụng, kiểm tra, giám sát”, ông Hiền cho biết.
Nguyên nhân của bất cập trên là do trong thời gian dài, nội dung phân định giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải mới dừng ở hạch toán kinh tế, chưa tách bạch độc lập về tổ chức và điều hành DN.
Nguồn: Báo Giao thông