Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, dân cư phân tán, nên tỉnh Hòa Bình luôn coi trọng xây dựng hệ thống giao thông gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa (VSVX) và các xã đặc biệt khó khăn (ÐBKK).
Hiện nay hầu hết các tuyến đường giao thông trong tỉnh đều được nâng cấp, có đường ô-tô đến trung tâm xã, tạo động lực phát triển ở địa phương.
Ði trên con đường 433 về huyện vùng cao Ðà Bắc vừa được trải nhựa phẳng phiu, anh Bùi Minh Tráng, Trưởng phòng xây dựng - công nghiệp và giao thông (Sở Kế hoạch đầu tư Hòa Bình) phấn khởi nói với chúng tôi: Tuyến đường này dài khoảng 90 km, từ TP Hòa Bình đi các xã vùng cao của huyện Ðà Bắc. Con đường được hình thành cùng với quá trình xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, nhằm phục vụ việc chuyển dân vùng lòng hồ. Khi nhà máy thủy điện Hòa Bình đi vào hoạt động thì tuyến đường này gần như bị lãng quên làm cho việc đi lại của người dân vùng cao Ðà Bắc rất khó khăn. Khổ nhất là vào mùa mưa, bùn lầy trơn trượt. Nhiều người đi xe máy có "sáng kiến" lấy xích xe đạp cũ cuốn vào hai bánh xe chống trượt mới mong vượt qua "con đường đau khổ" này. Ðược đầu tư từ nguồn vốn ODA, sau ba năm khẩn trương thi công đến nay việc nâng cấp tuyến đường cơ bản hoàn thành, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Dự kiến trong năm 2010, Dự án nâng cấp đường 433 sẽ mở tiếp hơn 10 km để nối thông sang huyện Phù Yên (Sơn La), tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu hàng hóa của nhân dân vùng cao hai tỉnh Hòa Bình và Sơn La.
Anh Tráng cho biết thêm: Hiện trên địa bàn Hòa Bình có khoảng 4.200 km đường giao thông do tỉnh quản lý, bao gồm 400 km tỉnh lộ, 800 km đường liên huyện, còn lại là đường liên xã. Hầu hết những tuyến đường này đều xuống cấp nghiêm trọng, nhất là những tuyến đường liên huyện về trung tâm các xã. Về mặt lý thuyết, những tuyến đường về trung tâm các xã phải bảo đảm cho ô-tô đi được quanh năm. Nhưng trên thực tế chỉ có 30% số xã đáp ứng được yêu cầu này; 70% số xã còn lại rất dễ bị cô lập mỗi khi mùa mưa về và thường tập trung ở địa bàn VSVX và ÐBKK. Khắc phục tình trạng trên, tỉnh Hòa Bình đã quy hoạch, lập dự án, triển khai nâng cấp các tuyến tỉnh lộ và đường liên huyện với tổng kinh phí đầu tư hàng nghìn tỷ đồng từ hai nguồn vốn vay ngân hàng châu Á (ADB) và ngân hàng thế giới (WB) và đều được các đối tác đánh giá là có hiệu quả, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí trên địa bàn. Những tuyến đường về các xã VSVX và ÐBKK được ưu tiên thực hiện trước như Phúc Sạn - Ba Khan (Mai Châu), thị trấn Cao Phong - Xuân Phong (Cao Phong), Nhân Nghĩa - Tân Lập - Miền Ðồi (Lạc Sơn), hai tuyến Hạ Bì - Thượng Bì và Thượng Bì - Trung Bì (Kim Bôi)... và đã cơ bản hoàn thành. Có đường giao thông thuận lợi, nhiều xã vùng cao ở Hòa Bình có sự chuyển biến mạnh trong đời sống và sinh hoạt, đủ điều kiện thoát khỏi diện ÐBKK. Ông Bùi Văn Banh ở xã Quyết Tiến (Tân Lạc) cho chúng tôi biết: Ngày thông tuyến đường từ trung tâm huyện lên 5 xã vùng cao Quyết Tiến, Nam Sơn, Bắc Sơn, Lũng Vân và Ngổ Luông vui như hội. Xã Quyết Tiến cách huyện chỉ có 16 cây số, trước đây mỗi lần xuống phố huyện làm việc nhiều khi phải ngủ lại. Nhưng nay có đường nhựa chỉ "vù" xe máy nửa giờ là đến nơi. Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Bùi Ngọc Soan nhớ lại, năm 2000, tỉnh cho mở con đường từ Lũng Vân lên Bắc Sơn dài gần 8 km, tuy chỉ là đường đất nhưng đã mở ra cho địa phương điều kiện để phát triển kinh tế. Có đường, ô-tô của thương lái vào tận nơi thu mua nông sản nên bà con tập trung phát triển cây ngô, loại cây phù hợp với đồng đất ở Bắc Sơn. Nhờ có đường việc giao lưu hàng hóa thuận lợi, đời sống của bà con ngày một khá dần. Ở Bắc Sơn hiện không còn hộ đói, số hộ nghèo ngày càng giảm, người dân Bắc Sơn phấn khởi lắm!
Cùng với việc nâng cấp các tuyến tỉnh lộ và đường liên huyện, từ năm 2004 tỉnh Hòa Bình còn triển khai Ðề án làm đường giao thông nông thôn (GTNT) bê-tông hóa các tuyến đường liên xã, liên thôn, bản, phấn đấu hết năm 2010 hoàn thành 1.350 km bằng 50% tổng chiều dài đường GTNT toàn tỉnh tại thời điểm đó, theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm". Quá trình làm đường, Nhà nước hỗ trợ xi-măng, nhân dân tham gia thi công, đóng góp kinh phí và vật liệu xây dựng. Ðây là chủ trương hợp lòng dân nên tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội. Các tuyến đường liên thôn, bản được giao cho chi bộ đảng, các tổ chức đoàn thể tại cơ sở tổ chức thực hiện, cử người theo dõi giám sát, nghiệm thu chất lượng công trình. Vì vậy trong suốt sáu năm triển khai không có trường hợp nào bị khiếu kiện. Ðến hết quý I - 2010, toàn tỉnh đã làm được 764 km đường GTNT bằng bê-tông. Trong thực tế đã xuất hiện nhiều cách làm hay và sáng tạo, trước hết là phong trào hiến đất để làm đường. Hệ thống đường GTNT ở Hòa Bình phần lớn đều do nhân dân tự làm nên thường nhỏ hẹp. Nay được nâng cấp, đổ bê-tông đương nhiên phải lấy đất vườn, đất thổ cư của các hộ dân hai bên để mở rộng mặt đường đúng quy cách và phải có tiền hỗ trợ cho những hộ dân có đất. Nhưng do kinh phí làm đường GTNT thường eo hẹp nên các địa phương đều có sáng kiến vận động nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường, yêu cầu cán bộ và đảng viên gương mẫu thực hiện trước. Thông qua tuyên truyền mọi người đều hiểu được ý nghĩa của việc làm này nên đồng tình, hưởng ứng với tính tự nguyện cao. Chỉ tính riêng ở hai xã Lạc Long (Lạc Thủy), Ngọc Lương (Yên Thủy) người dân đã hiến hơn 20.000 m2 đất để mở rộng đường và đổ gần 10 km đường GTNT; gia đình ông Bùi Văn Giản ở xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) hiến gần 1.000 m2 đất vườn... Thấy rõ lợi ích của việc cứng hóa đường GTNT, nhiều hộ dân ở xã Cao Sơn (Ðà Bắc) đóng góp từ 8 đến 10 triệu đồng để đổ đường bê-tông vào tận ngõ nhà mình. Gia đình ông Nguyễn Văn Ðến, góp 10 triệu đồng để có thêm đoạn đường bê-tông rộng 3 m, dài 250 m nối từ trục đường của bản vào tận sân. Năm 2009, Cao Sơn làm được 19 km đường bê-tông dẫn đầu huyện Ðà Bắc về làm đường GTNT.
Ðề án làm đường GTNT nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân trong tỉnh nhưng tiến độ thi công vẫn chậm, có năm cả tỉnh chỉ làm được 44 km nên tỉnh phải điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2012. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỉnh Hòa Bình còn nghèo, huy động sức dân chưa được nhiều. Về phía tỉnh, hỗ trợ xi-măng đủ theo định mức nhưng lại ấn định giá xi-măng là 620 đồng/kg (đến năm 2008 hỗ trợ thêm cước vận chuyển với mức hơn 45 nghìn đồng/tấn) là quá thấp so với giá xi-măng ngoài thị trường, gây khó khăn cho các địa phương khi triển khai. Nhiều địa phương đã đề nghị tỉnh điều chỉnh giá xi-măng khi hỗ trợ làm đường GTNT cho sát với giá thị trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ðể giải quyết vướng mắc này, tỉnh Hòa Bình cần lồng ghép Ðề án làm đường GTNT với dự án giảm nghèo, các Chương trình 134, 135... để có thêm nguồn vốn đầu tư làm đường.
Nguồn http://www.mt.gov.vn