Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa ban hành Thông tư số 56/2015/TT-BGTVT ngày 8/10/2015 quy định về quản lý các nhiệm vụ môi trường sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý.
Thông tư này quy định về quản lý các nhiệm vụ môi trường sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý bao gồm: xây dựng, phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch, đề cương, dự toán; kiểm tra, nghiệm thu, bàn giao sản phẩm, phổ biến kết quả thực hiện; thanh lý hợp đồng và quyết toán kinh phí.
Theo Thông tư, nguyên tắc quản lý nhiệm vụ môi trường phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả, công khai; cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ môi trường không được phép tham gia các hội đồng (thẩm định thuyết minh đề cương, nghiệm thu cấp cơ sở, nghiệm thu cấp Bộ đối với nhiệm vụ môi trường đó); các hội đồng chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước cơ quan thành lập hội đồng về kết quả làm việc; ý kiến kết luận của hội đồng là “Đạt” là ý kiến của ít nhất hai phần ba (2/3) số thành viên hội đồng tham gia phiên họp chính thức.
Hình thức quản lý nhiệm vụ môi trường được quản lý thông qua hình thức giao nhiệm vụ hoặc hợp đồng; hình thức giao nhiệm vụ: áp dụng các các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ GTVT; hình thức hợp đồng áp dụng cho các đơn vị không thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 2 Điều 4 của Thông tư.
Khói xe là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường
Hàng năm, Bộ GTVT căn cứ vào các chương trình, kế hoạch và yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước ban hành văn bản hướng dẫn để các tổ chức tiến hành đăng ký nhiệm vụ môi trường. Hồ sơ đăng ký nhiệm vụ môi trường phải được gửi về Bộ GTVT trước ngày 01 tháng 5 của năm trước kế hoạch.
Nhiệm vụ môi trường khi hoàn thành phải được nghiệm thu, đánh giá kết quả tại Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở, Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ theo nội dung, dự toán đã được phê duyệt. Hội đồng nghiệm thu cấp cơ sở do Thủ trưởng cơ quan chủ trì quyết định thành lập (gồm Chủ tịch Hội đồng, 1 Phó Chủ tịch Hội đồng và 1 Ủy viên thư ký; 2 Ủy viên phản biện và các Ủy viên).
Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ do Bộ GTVT quyết định thành lập (gồm Chủ tịch Hội đồng, 1 Phó Chủ tịch Hội đồng và 1 Ủy viên thư ký là công chức Vụ Môi trường; 2 Ủy viên phản biện và các Ủy viên là đại diện các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các chuyên gia có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung, tính chất của nhiệm vụ môi trường.
Đối với những nhiệm vụ môi trường được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 của Thông tư thì cơ quan chủ trì gửi văn bản báo cáo quá trình thực hiện nhiệm vụ môi trường kèm theo hồ sơ sản phẩm đến cơ quan quản lý; trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, Vụ Môi trường có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ môi trường; trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, Vụ Môi trường xác nhận hoàn thành theo mẫu quy định; trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, Vụ Môi trường thông báo để cơ quan chủ trì bổ sung, hoàn thiện.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2015 và thay thế Thông tư số 13/2010/TT-BGTVT ngày 7/6/2010 của Bộ GTVT quy định về quản lý các nhiệm vụ môi trường trong ngành Giao thông vận tải sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước.
Nguồn: Mt.gov.vn