http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 13/10/2015

Vì sao hạ tầng giao thông VN thăng hạng đột phá?

Vì sao hạ tầng giao thông VN thăng hạng đột phá?
Chỉ trong vòng 5 năm (2010-2015), tổng hợp lại chỉ số năng lực kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam tăng 38 bậc

11

Những đột phá về hạ tầng giao thông thời gian qua góp phần giúp chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc (Ảnh chụp: Đèo Lý Hòa, trên QL1, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) - Ảnh: Văn Thanh

Vì sao hạ tầng giao thông lại có sự thăng hạng đột phá? Việt Nam cần làm gì để tiếp tục cải thiện năng lực cạnh tranh, tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội? Báo Giao thông đã phỏng vấn PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Điểm sáng hạ tầng

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã chọn ra ba đột phá chiến lược: Thể chế, nhân lực và hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. Ông đánh giá như thế nào về kết quả sau bốn năm thực hiện?

Vừa qua, nền kinh tế của chúng ta gặp nhiều khó khăn, phần nào cũng làm giảm hiệu quả đột phá trong cả ba lĩnh vực. Chẳng hạn, về hạ tầng, nền tảng cho công nghiệp hóa - hiện đại hóa vẫn chưa xong. Về nguồn nhân lực, công tác cải cách giáo dục đào tạo vẫn rất vật vã, hay cạnh tranh thị trường lao động vẫn khó khăn.

Về thể chế, chúng ta đã chọn nhiều tuyến xung yếu để đột phá, nhưng kết quả cụ thể chưa được nhiều. Ví dụ, hai mảng thể chế quan trọng nhất là cải cách doanh nghiệp Nhà nước và cải cách quản trị khu vực Nhà nước đều đặt ra kỳ vọng nhiều nhưng chưa được bao nhiêu. Có thể do chúng ta đặt mục tiêu quá cao chứ không phải do chúng ta cải cách quá chậm…

Nhưng kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, cho thấy, đột phá là không dễ dàng. Do vậy, chúng ta cần bình tĩnh hơn, có những giải pháp bài bản hơn và tập trung sức mạnh phải chuẩn hơn. Song, trong tổng thể này cũng có “tọa độ” sáng, rất sáng và đó là những khởi động, bước tiến rất quan trọng để tạo đà, lan tỏa.

Vậy điểm sáng đó là gì, thưa ông?

Trong đột phá hạ tầng, hạ tầng đô thị cũng vẫn còn một số bất cập; Hạ tầng công nghệ thông tin cũng mới bắt đầu khởi động là thống nhất về mặt tư tưởng. Song hạ tầng giao thông (HTGT), tôi cho rằng, mấy năm vừa rồi làm được nhiều việc bài bản, hệ thống. Trong kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh chung của đất nước, điểm do hạ tầng giao thông đóng góp quan trọng. Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, chỉ số cạnh tranh về năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 9 bậc từ 76 (năm 2014) lên 67 (năm 2015). Kết quả này là do những thay đổi mạnh, có tính đột phá trong tư duy phát triển HTGT.

12
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên được nâng cấp, mở rộng tạo động lực cho kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên phát triển - Ảnh: Văn Tư

Phát huy sức mạnh thị trường

Sự đột phá trong tư duy phát triển giao thông, dưới góc nhìn của ông là gì?

Thứ nhất, cách tiếp cận về đường sắt (ĐS) đã tập trung hơn. Cụ thể, ĐS hướng tới tốc độ cao và tập trung vào những chặng tương đối chiến lược.

Về cảng biển, chỗ này còn chưa thực sự bài bản, nhưng cơ bản chúng ta đã xác định hai tọa độ quan trọng nhất là Hải Phòng và Cái Mép - Thị Vải. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, với Hải Phòng, chúng ta nên giải quyết được quan hệ với cụm cảng Hải Phòng - Quảng Ninh. Hay chỗ Bà Rịa - Vũng Tàu, mà cụ thể là Cái Mép - Thị Vải, chúng ta nên tập trung, không nên dàn trải. Chỗ này, cái gọi lợi ích quốc gia phải chi phối và quyền lực tối cao của Trung ương phải được huy động chứ không tranh chấp về cảng sẽ làm tổn hại cho mục tiêu chiến lược chung.

"Tôi hy vọng, Bộ GTVT trên nền như thế, thời gian tới sẽ còn đột phá mạnh hơn nữa. Và tôi tin rằng, nếu ta có cái nhìn đúng và hiện nay đã khởi động rồi, về tư duy tầm nhìn quy hoạch, chúng ta sẽ xây dựng được nền tảng vật chất để trở thành một nước công nghiệp hiện đại như mục tiêu Đảng, Nhà nước chúng ta đã đặt ra”.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt NamTrần Đình Thiên

Về hàng không (HK), chúng ta có đột phá là CHK quốc tế Long Thành. Và tôi xin nói thêm rằng, Long Thành phải gắn với cảng Cái Mép - Thị Vải thành cụm. Ta phải nhìn đột phá theo tọa độ không gian chứ không thể chỉ nhìn từng tuyến một. Việc này phục vụ cho đột phá vùng, tức là đột phá GTVT phải đặt trong tầm nhìn đột phá vùng kinh tế chứ không phải GTVT cứ một mình xông pha.

Về đường bộ, khi chúng ta giả định ĐS chưa có mặt, hệ thống đường sông, đường biển chưa xong thì hệ thống đường bộ phải gánh vác. Ngành GTVT đã tập trung sức mạnh vào đây, tháo gỡ thể chế, huy động vốn của dân, của xã hội. Có thể nói, thời gian qua, chỗ này khá linh hoạt, năng động, nhạy bén. Và tư duy nhạy bén này có thể chuyển sang ĐS, HK, cảng biển vẫn được…

Theo tôi, đường bộ đã làm được hai chuyện: Một là, đã thông được một số tuyến rất quan trọng như Hà Nội - Hải Phòng; vùng TP HCM; hay QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên giải quyết cơ bản huyết mạch quốc gia. Đứng về mặt cơ sở vật chất kỹ thuật, theo nghĩa đột phá như vậy cũng là một thành công, đặc biệt của 5 năm vừa rồi.

Cái nữa là xử lý vấn đề thể chế. Trong điều kiện ngân sách khó khăn, Nhà nước, Chính phủ, Bộ GTVT đã chuyển hướng sang huy động vốn xã hội hóa. Bên cạnh nguồn vốn TPCP, ODA để đầu tư cho HTGT, huy động nguồn vốn theo các hình thức PPP (hợp tác công tư - bao gồm cả vốn xã hội và vốn của doanh nghiệp) được hơn 200 nghìn tỷ đồng, tôi cho là một thành công rất lớn. Các hình thức BOT, BT, BTO, thậm chí chúng ta còn chuyển nhượng trạm thu phí, chuyển giao một số tài sản hạ tầng dưới hình thức cho thuê nhượng quyền khai thác một số công trình, dự án… Như thế chúng ta tiếp cận một góc độ rất linh hoạt của thị trường, tận dụng sức mạnh thị trường để giải quyết vấn đề xưa nay Nhà nước cứ phải gánh lấy.

Đột phá“hai trong một”

Có thể coi sự đột phá trong lĩnh vực GTVT  là kết quả của sự đột phá “con” trên cả ba phương diện: Thể chế, nhân lực và hạ tầng, thưa ông?

Tôi cho rằng, Bộ GTVT đã giải quyết được 2 đột phá “con” của chính lĩnh vực ấy là nhân lực và thể chế trong GTVT.

Để làm được điều này, phải nói vai trò cá nhân của người đứng đầu là rất lớn, ngành GTVT đã tạo được sự đột phá mạnh mẽ trong tư duy quản trị. Tư duy này rất đơn giản: Chuyển từ cái gọi là chịu trách nhiệm tập thể, sang gắn với trách nhiệm cá nhân, tức là các cá nhân phải chịu trách nhiệm. Điều này buộc mỗi quan chức cũng như công chức phải nâng mình lên, bởi ông không làm được là ông "bật bãi" ngay và cái đó mới là đào tạo cơ bản của thị trường. Bản thân cơ chế đánh giá năng lực như vậy sẽ tạo ra năng lực. Đấy cũng là đột phá thể chế có tính chất then chốt nhất, như thế mới kiến tạo phát triển.

Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của Bộ GTVT cũng là gắn với trách nhiệm cá nhân mà cụ thể là những ông Chủ tịch HĐQT, TGĐ. Ông chịu trách nhiệm thì phải cam kết, cam kết thì phải thực thi.

Kết quả này đã được ghi nhận cả trên phương diện quốc tế cũng như trong nước, thể hiện qua sự thăng hạng của các chỉ số về HTGT, logistics hay sự ghi nhận liên tục giữ top đầu về cải cách hành chính. Năm 2014, theo đánh giá về Chỉ số hoạt động logistics (LPI) của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đứng thứ 48/160 nước nghiên cứu (tăng 5 bậc so với năm 2012) và đứng thứ tư trong các nước thành viên ASEAN. Tại Lễ công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động xây dựng và thi hành pháp luật về kinh doanh của các Bộ năm 2014 (MEI) cuối tháng 6/2015 do VCCI tổ chức, Bộ GTVT cũng có cú lội ngược dòng ngoạn mục nhất so với tất cả các Bộ còn lại khi từ top cuối, thậm chí áp chót của năm 2012 để vươn lên top đầu, thậm chí dẫn đầu ở một số chỉ số của năm 2014.

Để những chuyển động tích cực này tiếp tục lan tỏa, theo ông cần có những điều kiện gì?

Để HTGT tiếp tục đột phá, tôi cho rằng phải nhìn toàn diện hơn. Chúng ta cần đánh giá lại quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông, từ đó sẽ quyết định đột phá ở chỗ nào. Chẳng hạn, nhìn lại 20 năm qua, chiến lược, quy hoạch giao thông của chúng ta còn một số điểm bất cập. Ví dụ, chúng ta quên mất ĐS. Chúng ta có hệ thống cảng biển rất tốt nhưng lại dàn trải trong tư duy cảng biển. Mặt khác, hệ thống ĐS, đường biển phải gắn với nhau, theo hướng hội nhập quốc tế. Hệ thống đường thủy nội địa gắn với hai vùng tam giác kinh tế là Bắc bộ và Nam bộ nhưng chúng ta tận dụng chưa tốt.

Rồi tầm nhìn HK, chúng ta hay nại vào thiếu vốn, nhưng tôi cho rằng, quan trọng là phải xác định mục tiêu chiến lược trên tầm nhìn chung, chứ nếu còn dàn trải, tập trung sai hướng sẽ còn thiếu vốn. Và riêng HK, giờ mới quy hoạch CHK quốc tế Long Thành, tôi cho là muộn.

Do vậy, cần phải có một quy hoạch tổng thể về phát triển hệ thống giao thông quốc gia đa phương tiện trong một tầm nhìn hội nhập vươn tới đẳng cấp cao.

Cảm ơn ông!

Năng lực kết cấu hạ tầng giao thôngViệt Nam tăng 38 bậc

Mức thăng hạng ấn tượng của Việt Nam được ghi nhận trên hai chỉ số cạnh tranh và mức hữu dụng của  kết cấu hạ tầng giao thông, theo công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF).

Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2015-2016 (Global Competitiveness Report 2015-2016) vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, chỉ số cạnh tranh về năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam tăng 9 bậc từ 76 (năm 2014) lên 67 (năm 2015). Sự tiến bộ trong lĩnh vực giao thông cùng một số mảng sáng khác góp phần giúp chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam tăng 12 bậc. Khảo sát này được WEF tiến hành trên 140 nước.

Đồng thời, theo báo cáo về Xúc tiến thương mại toàn cầu (Global Enabling Trade Report 2014), cũng của Diễn đàn Kinh tế thế giới được công bố hai năm một lần, mức hữu dụng và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2014 tăng 29 bậc so với 2010 (từ vị trí 103 lên vị trí 74).

Như vậy, nếu tổng hợp các kết quả đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, có thể thấy chỉ số năng lực kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong 5 năm qua đã tăng 38 bậc, tính ở cả hai chỉ số.

Chúng ta có quyền hy vọng vào một sự vượt trội hơn nữa về thứ hạng trong bản báo cáo Xúc tiến thương mại toàn cầu năm 2016 của WEF được công bố vào tháng tư năm sau. Bởi việc hoàn thành đưa vào khai thác toàn tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cùng với nhiều công trình giao thông lớn từ nay đến cuối năm 2015 có thể khiến các chỉ số giao thông của Việt Nam nhận được những đánh giá khả quan hơn so với thời điểm hiện tại.

X.M

13

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã:
Xóa nhòa sự chia cắt các vùng miền

Khoảng 4-5 năm trở lại đây, cơ sở hạ tầng giao thông, nhất là những trục giao thông lớn, các tuyến cao tốc ở các vùng miền đã được cải thiện rất đáng ghi nhận.

Đột phá quan trọng nhất là ngành GTVT đã huy động được nguồn lực lớn ngoài ngân sách, tạo ra một cơ chế mới để có những bước thay đổi căn bản. Đây là một bước đi đúng đắn, mạnh bạo. Thời gian tới cần tiếp tục phát huy, huy động nhiều hơn nữa nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư cho giao thông và các lĩnh vực khác, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.

Hạ tầng đi trước một bước đóng vai trò quan trọng, tạo điều kiện tốt để chúng ta tiến hành quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa ở tất cả các vùng miền trên cả nước. Lâu nay, chúng ta vẫn còn sự chia cắt đáng kể giữa các vùng miền do giao thông chưa thực sự thuận lợi. Hiện nay, nhờ sự phát triển đột phá của cơ sở hạ tầng giao thông, sự chia cắt ấy đã bị xóa nhòa. Thay vào đó là sự kết nối đồng bộ, nhất là các tuyến đường như QL1, đường Hồ Chí Minh...

14
 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tếNguyễn Đức Kiên:
Điểm sáng hạ tầnggiao thông nhờ đột phá cơ chế huy động vốn

Chính nhờ những điểm nhấn đó mà quốc tế mới đánh giá cơ sở hạ tầng của chúng ta đã có bước tiến so với những năm trước. Tất nhiên, các yếu tố đánh giá còn có mặt này, mặt kia, nhưng nhìn chung phải coi đó là những “điểm sáng” của hạ tầng giao thông những năm qua.

Những thay đổi tích cực này đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước. Đầu tiên phải thấy rằng, từ một ngành thiếu vốn, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế, giao thông đã tạo bước đột phá về cơ chế. Đây là bước đột phá lớn mà các ngành khác không làm được.

Nguồn: Báo Giao thông