(GD&TĐ) - Sẽ thực hiện thông qua hai dự án lớn, đó là dự án Nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất (một số đoạn trên tuyến này đang được Nhà nước đầu tư nâng cấp) và dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.
Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công cho biết sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và công luận, ngày 4/6, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã ký tờ trình gửi Quốc hội báo cáo giải trình bổ sung Báo cáo đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo tờ trình, Chính phủ đã phân tích kỹ bốn phương án về vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường sắt trên trục Bắc-Nam dựa trên tám tiêu chí (tính khả thi về mặt kỹ thuật; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết tham gia; đáp ứng được yêu cầu vận chuyển trước mắt và lâu dài; phù hợp với xu hướng phát triển đường sắt cao tốc; chi phí đầu tư; hiệu quả đầu tư; phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển; xem xét kinh nghiệm của các nước đã phát triển đường sắt cao tốc).
Trên cơ sở phân tích, Chính phủ đề nghị lựa chọn phương án 4 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu trước mắt; đồng thời xây dựng mới tuyến đường đôi, khổ 1.435mm, chỉ chuyên chở hành khách với tốc độ khai thác 300 km/giờ.
Theo Chính phủ, phương án 4 thỏa mãn tám tiêu chí kể trên; phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải nói chung và đường sắt nói riêng cũng như để phát triển đường sắt Việt Nam đi thẳng vào hiện đại.
Về phân kỳ đầu tư, Chính phủ vẫn đưa ra ba phương án, trong đó kiến nghị chọn phương án 2, nhưng có sự thay đổi trong thời gian phân kỳ đầu tư giai đoạn một.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tùy thuộc vào khả năng huy động vốn, trả nợ quốc gia và các yếu tố khác, Chính phủ xem xét phân kỳ đầu tư một cách linh hoạt và có thể kéo dài giai đoạn đưa đường sắt cao tốc Hà Nội-Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang vào khai thác vào khoảng năm 2025, hoàn thiện toàn tuyến năm 2035.
Như vậy, thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác đoạn Hà Nội-Vinh và Nha Trang-Thành phố Hồ Chí Minh có thể chậm hơn 5 năm so với đề xuất trước đó.
Về huy động vốn và cân đối đầu tư, tổng mức đầu tư theo tính toán sơ bộ cho dự án là 55,88 tỷ USD, trong đó đầu tư cho kết cấu hạ tầng gần 31 tỷ USD, đầu tư cho phương tiện hơn 9,5 tỷ USD..., Chính phủ dự kiến bảo đảm thu xếp nguồn vốn ngân sách nhà nước cho hợp phần kết cấu hạ tầng, còn hợp phần phương tiện vận tải sẽ huy động đầu tư của các doanh nghiệp.
Dự kiến, tiểu dự án “cầu, đường và tín hiệu đường sắt” sẽ được thực hiện bằng vốn vay ODA, các tiểu dự án kết cấu hạ tầng còn lại đều có thể thực hiện không hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước.
Trên cơ sở khả năng huy động và cân đối vốn đầu tư theo phương án kiến nghị được chọn, giai đoạn đầu của dự án (từ 2012 đến 2025), trung bình mỗi năm chỉ cần huy động 1,6 tỷ USD, giai đoạn cuối (từ 2030 đến 2035), trung bình mỗi năm cần 4,36 tỷ USD.
Theo phân tích của Chính phủ, hiện nay, đầu tư cho giao thông vận tải chỉ đạt 7% tổng mức đầu tư của xã hội. Nếu tính đến dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với phương án huy động vốn kể trên thì đầu tư cho giao thông vận tải ở trong khoảng 10-15% tổng mức đầu tư của xã hội.
Như vậy, việc đầu tư vào dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh vẫn nằm trong giới hạn đầu tư và không ảnh hưởng đến việc cân đối vốn cho nhu cầu đầu tư các dự án ngành khác.
Về nợ quốc gia, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chủ động quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ODA mặc dù số liệu hiện nay về tổng dư nợ của cả nước (khoảng hơn 42% GDP), trong đó nợ nước ngoài trên 32%, được đánh giá là nằm trong phạm vi bảo đảm an toàn
Theo phương án này, đường sắt cao tốc được xây dựng chủ yếu trên cao, có rào cách ly, không giao cắt đồng mức với hệ thống đường bộ, đường sắt khác, là cơ sở để quản lý chặt chẽ hành lang an toàn đường sắt, đảm bảo an toàn cho quá trình khai thác. Đồng thời quy trình khai thác đường sắt cao tốc được quy định chặt chẽ. Công tác bảo dưỡng, kiểm tra thiết bị và hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt cao tốc được tiến hành hàng ngày đảm bảo duy trì độ an toàn, tin cậy cao của cả hệ thống.
Giang Đông