Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động (KHKT ATVSLĐ) Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo “Góp ý dự thảo đề cương Luật An toàn vệ sinh lao động" do Hội KHKT ATVSLĐVN đề xuất.
Tham dự hội thảo có đại diện của ILO, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật VN, Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH), Ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐVN), Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an), Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), Vụ các vấn đề xã hội (Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) và các nhà quản lý, các nhà khoa học về lĩnh vực ATVSLĐ.
|
Hội thảo “Góp ý dự thảo đề cương Luật An toàn vệ sinh lao động" |
Bảo vệ sức khỏe và tính mạng NLĐ
Phát biểu tại hội thảo, kỹ sư Phùng Huy Dật – Trưởng ban Thông tin tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ thuộc Hội KHKT ATVSLĐVN khẳng định: “Dự thảo đề cương Luật ATVSLĐ cần làm nổi bật mục đích của lao động sản xuất (LĐSX) là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đời sống con người.
ATVSLĐ là nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của NLĐ, bởi vậy ATVSLĐ là một lĩnh vực không thể tách rời của LĐSX”. Ông Dật cho rằng, câu nói của Hồ Chủ tịch “Phải đảm bảo an toàn lao động, vì người lao động là vốn quý nhất” thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề ATVSLĐ, thể hiện rõ nguyên tắc phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh tật liên quan đến công việc phải được ưu tiên hàng đầu và nguyên tắc này phải được thể hiện rõ trong Luật ATVSLĐ.
Góp ý thêm về việc đảm bảo ATVSLĐ cho NLĐ, PGS-TS Trần Thị Ngọc Lan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho rằng: “Luật ATVSLĐ không chỉ áp dụng cho những đơn vị SXKD mà còn áp dụng cho cả các đối tượng liên quan đến lao động”.
PGS-TS Trần Thị Ngọc Lan giải thích thêm: “Trong quản lý chăm sóc sức khỏe cho NLĐ cần phải quản lý cả yếu tố nguy cơ về ATVSLĐ khi tổ chức lao động”. Đề cập đến việc đảm bảo ATVSLĐ cho NLĐ, ông Vũ Đức Anh và một số đại biểu khác đề nghị dự thảo đề cương Luật ATVSLĐ phải nêu bật được vấn đề phòng ngừa TNLĐ, phải tạo cho mọi người đủ điều kiện tham gia công tác ATVSLĐ, phải bảo đảm cho NLĐ và mọi người an toàn trong môi trường lao động.
Trách nhiệm của cả doanh nghiệp và NLĐ
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh các nội dung quản lý nhà nước về ATVSLĐ như những chính sách cơ bản của Nhà nước, việc thẩm định trong lĩnh vực ATVSLĐ, trách nhiệm quản lý về ATVSLĐ (của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội), dự thảo đề cương Luật ATVSLĐ cần thể hiện rõ trách nhiệm của người sử dụng LĐ và NLĐ.
Đề cập vấn đề này, kỹ sư Phùng Huy Dật cho rằng: “Điều quan trọng nhất trong Luật ATVSLĐ là phải quy định người tổ chức sản xuất phải chịu trách nhiệm đảm bảo ATLĐ trong các đơn vị, nơi làm việc thuộc quyền quản lý, đáp ứng được các yêu cầu nêu trong các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATVSLĐ của Nhà nước, ngành. Nếu chưa đáp ứng được các yêu cầu đó thì không được phép tham gia vào hoạt động SXKD”. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, tương ứng với trách nhiệm của người tổ chức SXKD cũng cần quy định rõ trách nhiệm của NLĐ là phải thực hiện đúng theo quy trình làm việc an toàn do người sử dụng LĐ ban hành hoặc đã được huấn luyện, có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho bản thân và những người xung quanh”.
Ông Nguyễn Trung Sơn – Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng LĐLĐVN) nhấn mạnh: Dự thảo đề cương Luật ATVSLĐ cần nêu rõ nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức CĐVN trong công tác đảm bảo ATVSLĐ, trong đó phải đảm bảo quyền tham gia điều tra TNLĐ, quyền đại diện của CĐ cấp trên đối với đoàn viên CĐ, NLĐ ở cơ sở lao động, quyền được yêu cầu tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra công tác ATVSLĐ ở cơ sở lao động, quyền tham gia đối thoại, thương lượng về các vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc và ATVSLĐ.
Bà Trần Thị Thơm (Hội Nông dân VN) phát biểu: Dự thảo đề cương Luật ATVSLĐ cần nêu rõ vấn đề ATVSLĐ cho các lĩnh vực phi kết cấu và đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn - nơi có hàng chục triệu NLĐ và cũng là nơi có số vụ TNLĐ và bệnh nghề nghiệp cao. Các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh đến chế tài xử phạt đủ mạnh để đảm bảo ATVSLĐ và vai trò của CĐ, Hội Nông dân, sự cần thiết thành lập cơ quan thanh tra ATVSLĐ thuộc Bộ LĐTBXH.
Theo Báo GTVT