http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 21/07/2015

Du lịch đường sắt cần làm gì để hấp dẫn?

Du lịch đường sắt cần làm gì để hấp dẫn?

Du lịch đường sắt đầy tiềm năng, nhưng sự hợp tác giữa các nhà tổ chức thiếu toàn diện, đầu tư manh mún nên chưa phát huy hết hiệu quả, tương xứng với thế mạnh của loại hình này

“Tại anh, tại ả”

An toàn, không gian thoải mái, giá vé phù hợp với nhiều đối tượng hành khách, có thể ngắm nhìn phong cảnh qua ô cửa con tàu,... là những ưu điểm nổi trội khi đi du lịch bằng tàu hỏa mà các đơn vị du lịch đã đánh giá. Ngoài ra, nếu chọn chuyến tàu đêm còn tiết kiệm được khá nhiều chi phí lưu trú.

Tuy vậy, sự kết nối giữa ngành Du lịch và ngành Đường sắt còn đơn điệu, chưa đồng bộ, chưa gắn kết và mạnh ai nấy làm. Chất lượng sản phẩm du lịch đường sắt cũng thấp, chưa thực sự tạo được ấn tượng tốt với du khách.

Trong khi đó, việc đầu tư cho du lịch đường sắt mang tính nhỏ lẻ, chưa đồng bộ, toàn diện. Chia sẻ về vấn đề này, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội, kiêm Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, qua trao đổi với lãnh đạo các đơn vị du lịch lữ hành, các đơn vị này thường không tư vấn và hướng khách đi bằng đường sắt.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng Du lịch trong nước Công ty Du lịch Vietravel thì cho biết, do phải mua qua trung gian, đại lý hoặc nếu mua trực tiếp với nhà ga, đơn vị vận tải ngành Đường sắt, các công ty du lịch phải có công văn, rồi mất thời gian chờ đợi mới biết được số chỗ được cấp rất rườm rà. “Hơn nữa, việc ban hành kế hoạch tàu, giá vé và thời điểm bán vé trước mùa cao điểm du lịch hè hoặc Tết (khách nước ngoài đi du lịch dịp này đông) chậm, thường sát ngày đi của khách nên không thể chủ động lượng chỗ trên tàu để tư vấn hoặc xây dựng tour du lịch bằng đường sắt”, ông Bảy nói.

Hiện chất lượng phục vụ của đường sắt đã có nhiều đổi mới, linh hoạt hơn, thông thoáng hơn, có thể đăng ký đặt chỗ hoặc được tư vấn về mác tàu, giờ tàu chạy, đặt suất ăn chất lượng tốt trên tàu…

Tuy nhiên, vẫn cần gia tăng và nâng cao chất lượng các dịch vụ, tiện ích trên tàu, dưới ga. Ngành Đường sắt cần có chính sách phân chia, dành tỷ lệ số chỗ trên tàu cho các nhóm đối tượng khách, trong đó có khách du lịch để có thể chủ động về vé tàu cho khách du lịch”.Ông Phạm Văn Bảy, Trưởng phòng Du lịch trong nước, Công ty Du lịch Vietravel

Ông Khiếu Quang Lân, Công ty CP Sài Gòn hỏa xa - một DN kinh doanh du lịch, dịch vụ của ngành Đường sắt cũng cho biết, hiện ngành Đường sắt chưa có chính sách ưu đãi đối với các đơn vị du lịch như các DN vận tải khác: giảm giá, phần trăm hoa hồng… để các đơn vị du lịch có thể điều tiết, giảm giá thành tour hoặc tăng các dịch vụ cho khách, từ đó hút khách hơn.

Ông Lân dẫn chứng: “Khách du lịch Tây ba lô cũng là một nguồn quan trọng, lại có quanh năm, không theo mùa vụ. Nếu trước kia, các điểm dịch vụ du lịch nhỏ lẻ ở đường Phạm Ngũ Lão, Bùi Viện (TP Hồ Chí Minh) bán đúng giá ghi trên vé tàu cho khách do thủ tục mua vé dễ dàng hơn, có thể thông qua các đại lý. Nay với hình thức bán vé qua mạng, họ phải thu thêm 50 nghìn đồng/vé cho phí dịch vụ, phải lấy thông tin của khách (hộ chiếu) rồi trực tiếp ra ga đăng ký, lấy vé mà không có sự hỗ trợ, ưu đãi. Trong khi đó, cũng tại khu vực này, mỗi tối có khoảng 40-50 xe giường nằm chất lượng cao của 20 hãng xe xuất phát đi các tuyến, vé xe thường thấp hơn vé tàu, cũng được phát chăn, nước uống, khăn lạnh miễn phí. Vì thế, nguồn khách này gần như mất về tay đường bộ."

Khởi động lại hợp tác toàn diện du lịch - đường sắt

Không phải đến bây giờ, vấn đề du lịch đường sắt mới được quan tâm, nhưng rõ ràng chưa đạt được hiệu quả mong muốn. Do đó, tới đây rất cần phải khởi động lại sự hợp tác toàn diện giữa du lịch - đườn g sắt để khai thác, phát huy được thế mạnh, lợi ích mỗi ngành.

Theo Sở VH, TT&DL Đà Nẵng, tới đây phải tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa ngành Du lịch và ngành Đường sắt trong hoạt động xúc tiến quảng bá sản phẩm, chương trình du lịch đường sắt; Tổ chức các đoàn Famtrip, Presstrip, trao đổi thông tin để có chiến lược xúc tiến khai thác thị trường chung. Cùng đó, cần tận dụng kênh quảng bá hoặc ấn phẩm của mỗi ngành để giới thiệu sản phẩm của nhau hoặc sản phẩm phối hợp.

Về lâu dài, ngành Đường sắt cần tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi trong hoạt động xã hội hóa đầu tư, khai thác dịch vụ du lịch đường sắt như thuê toa xe (một phần hoặc trọn gói), tổ chức dịch vụ trên tàu, dịch vụ tại ga dành riêng cho khách du lịch… Cần có cơ chế rõ ràng và ưu tiên cho các công ty lữ hành trong việc đặt vé cho khách du lịch cũng như về giá vé, chính sách khuyến mại.

Đồng quan điểm, bà Phùng Thị Lý Hà cho rằng, các đơn vị du lịch là một kênh phân phối, kênh giới thiệu khách hàng cho ngành đường sắt, nên quan tâm và tạo điều kiện tối đa. Riêng với Chi nhánh Vận tải đường sắt Hà Nội đã ký hợp đồng liên kết với các đơn vị du lịch. Trong đó, nếu đơn vị lữ hành có lượng khách đông vào mùa thấp điểm sẽ có cơ chế ưu đãi vào mùa cao điểm như đặt chỗ trước, ưu tiên dành chỗ…

Cũng theo bà Hà, hiện chi nhánh dành riêng khu vực chờ tàu cho khách của các đơn vị du lịch, cử nhân viên hỗ trợ nhân viên du lịch đón khách, hướng dẫn vào ga, lên tàu; phối hợp với các đơn vị phục vụ trên tàu để đăng ký thêm các dịch vụ ăn uống nếu khách có nhu cầu… Đặc biệt, đơn vị đã thành lập trung tâm chăm sóc khách hàng và tổ thông tin du lịch để tư vấn cho các đoàn khách du lịch nhỏ lẻ, có tính chất gia đình, thậm chí đặt hộ khách sạn, thuê xe không thu phí dịch vụ. 

 

Nguồn: Báo Giao thông