Mật độ các phương tiện tham gia giao thông ngày càng nhiều đã tác động trực tiếp đến người tham gia giao thông, người đi đường; ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. Bởi vậy, cần có những giải pháp cấp bách nhằm hạn chế ô nhiễm, góp phần giảm mức độ ô nhiễm không khí đô thị nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung.
Ô nhiễm từ hoạt động giao thông ngày càng tăng
Theo các chuyên gia môi trường, thời gian qua, hoạt động giao thông vận tải đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Tuy nhiên, việc tăng cường các hoạt động GTVT làm phát sinh không ít các vấn đề môi trường không khí.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong quá trình hoạt động, các phương tiện giao thông thải lượng lớn các chất như: Bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… vào môi trường không khí.
Lượng khí thải, bụi… gây ô nhiễm đang tăng lên hàng năm cùng với sự phát triển về số lượng các phương tiện giao thông đường bộ. Cụ thể, nồng độ bụi trong không khí ở các thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng… tại các nút giao thông cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 3 – 5 lần; nồng độ khí CO, NO2 trung bình ngày ở một số nút giao thông lớn đã vượt tiêu chuẩn cho phép từ 1,2 – 1,5 lần.
Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, thời gian trước năm 2010, cả nước có khoảng 20 triệu mô tô và xe máy, năm 2010 đã tăng lên khoảng 24 triệu xe và đến năm 2015, dự báo lượng xe máy lưu hành trong cả nước khoảng 31 triệu xe. Hàng ngày, chỉ cần một nửa số phương tiện trên hoạt động cũng đã xả ra môi trường một lượng lớn các khí độc hại, trong đó có nhiều thành phần gây nên hiệu ứng nhà kính, gây ra các loại bệnh như: Viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, viêm mũi…
Đặc biệt, tiếng ồn phát sinh từ các hoạt động giao thông cũng đóng vai trò chủ yếu trong việc gây ô nhiễm. Có 60 – 80% các nguyên nhân do tiếng ồn từ động cơ như: Do ống xả, do rung động các bộ phận xe, đóng cửa xe, còi xe, phanh xe, do sự tương tác giữa lốp xe và mặt đường… Tiếng ồn gây tác hại rất lớn đến toàn bộ cơ thể nói chung và cơ quan thính giác nói riêng. Tiếng ồn mạnh, thường xuyên gây nên bệnh đau đầu, chóng mặt, trạng thái tâm thần bất ổn, mệt mỏi…
Báo cáo cũng cho thấy, sự phát thải của các phương tiện cơ giới đường bộ phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng các loại xe. Đối với các phương tiện như xe ô tô, xe máy qua nhiều năm sử dụng có chất lượng thấp, hiệu quả sử dụng nhiên liệu thấp, nồng độ chất độc hại, bụi trong khí xả cao… là nguyên nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng. Trong đó, xe máy là nguồn đóng góp chính các loại khí ô nhiễm, đặc biệt là các khí thải CO, VOC… Xe tải và xe khách các loại lại thải nhiều NO2.
Tại các khu dân cư, mức độ ô nhiễm thấp hơn từ 2 đến 3 lần so với các trục đường giao thông. Tuy nhiên, đối với khu dân cư nằm trong các đô thị lớn chịu ảnh hưởng rõ rệt của giao thông, mức độ ô nhiễm vẫn vượt nhiều lần ngưỡng cho phép quy chuẩn Việt Nam (QCVN), đáng kể như các điểm tại: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bình Dương. Ngược lại, ở các khu dân cư đô thị quy mô nhỏ và vừa, chất lượng không khí đo được còn khá tốt.
Đẩy mạnh kiểm soát ô nhiễm từ các phương tiện giao thông
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, để kiểm soát ô nhiễm từ hoạt động giao thông vận tải, từ năm 2005, Việt Nam đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cho đến nay, hàng loạt các hoạt động nhằm kiểm soát ô nhiễm từ các phương tiện giao thông cũng đã được triển khai như: Thắt chặt mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu đã qua sử dụng và xe cơ giới đang lưu hành trên cả nước; tăng cường kiểm soát khí thải lưu động trên đường; xây dựng 105 trạm đăng kiểm định xe ô tô trên cả nước; xây dựng Trung tâm thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (NETC)…
Đặc biệt, giai đoạn 2011 – 2012, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt cho ngành GTVT Đề án về Kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố lớn. Đề án đã góp phần không nhỏ vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ các hoạt động GTVT.
Theo đó, Đề án đã đặt ra mục tiêu cho giai đoạn 2013 – 2015: Thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80 – 90% số lượng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; mở rộng mạng lưới cơ sở kiểm định để thực hiện việc kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải đối với 60% số lượng xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố loại 1 và loại 2.
Đồng thời, trên cơ sở và mục tiêu đề ra, Đề án cũng xây dựng danh mục các dự án thành phần gồm 6 dự án dự kiến thực hiện đến năm 2015, nhằm tăng cường năng lực, thể chế phục vụ việc kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Theo đó, việc quy hoạch đô thị tổng thể phải chú trọng đến các vấn đề giao thông, các khu dân cư, công viên cây xanh… Quy hoạch này phải bao gồm cả phát triển các dự án, giải pháp nhằm giải quyết vấn đề tắc đường, giảm bớt TNGT và phát triển hệ thống giao thông công cộng. Phải tăng cường phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe điện trên không, xe điện ngầm…) và các hình thức giao thông không gây ô nhiễm. Phải xem việc phát triển phương tiện vận chuyển công cộng như là trọng tâm để giảm nguy cơ tắc nghẽn và ô nhiễm giao thông tại các đô thị.
Theo các chuyên gia môi trường, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp như: Thực hiện chương trình kiểm tra và bảo dưỡng, theo đó, các phương tiện xe cộ đã đăng ký phải được kiểm tra về sự phát thải hàng năm trước khi cấp, đổi giấy phép lái xe. Khuyến khích việc vệ sinh môi trường giao thông bằng cách phun nước, quét đường; khuyến khích sự phát triển của các phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch như: Khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, cồn nhiên liệu, biodiesel và điện. Ngoài ra, việc tiến hành thu phí môi trường đối với các phương tiện tham gia giao thông cũng cần được xem xét như một giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân với môi trường.
Nguồn:Tạp chí Giao Thông