http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 17/04/2018

Bộ Giao thông nghiên cứu xây mới đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai

Bộ Giao thông nghiên cứu xây mới đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai
Tuyến đường sắt dài gần 400 km, tốc độ 160 km/h, kết nối với đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) đang được Bộ Giao thông xem xét.

Ngày 5/4, Bộ Giao thông đã họp bàn về quy hoạch đầu kỳ tuyến đường sắt Hải Phòng -  Hà Nội - Lào Cai. Theo quy hoạch, đường sắt này sẽ tồn tại song song cả tuyến cũ và mới. Trong đó, tuyến mới đảm nhận vận chuyển hàng hóa và toàn bộ hành khách, được xây dựng khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ tàu khách đạt 160 km/h, tàu hàng 90 km/h. Về lâu dài, tuyến mới sẽ làm đường đôi, điện khí hóa tập trung. 

Tuyến đường sắt Hải Phòng -  Hà Nội - Lào Cai bắt đầu từ ga Lào Cai hiện tại, theo hướng Đông qua các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và kết thúc tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), tổng chiều dài tuyến là 391 km; đoạn kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam) có chiều dài 6,29 km.

Ngành đường sắt giữ vai trò chủ lực vận tải hàng hóa và hành khách. Ảnh: Đ.Loan 

 Tuyến đường sắt Đông - Tây vận tốc 160 km/h. Ảnh: Đ.Loan 

Viện Nghiên cứu khảo sát và thiết kế đường sắt số 5 Trung Quốc là đơn vị tư vấn lập quy hoạch tuyến đường sắt này, bao gồm cả việc nghiên cứu kết nối đường sắt Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai (Việt Nam).

Theo Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông, đây là tuyến quan trọng về vận tải hàng hóa và hành khách của đường sắt Việt Nam; không chỉ có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế xã hội các địa phương tuyến đi qua, mà còn trong kết nối giao thông, giao thương quốc tế, đặc biệt với Trung Quốc.

Hiện đường sắt ở Trung Quốc chủ yếu là khổ tiêu chuẩn 1.435 mm và chỉ duy trì đường sắt khổ hẹp 1.000 mm, đường lồng (gồm cả khổ 1.000 mm và khổ 1.435 mm) tại một số tuyến ngắn, nhà ga khu vực biên giới giáp Lào Cai. Trong khi đó, đường sắt từ Lào Cai đi Hải Phòng ở Việt Nam vẫn là đường khổ 1.000 mm. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc nối ray không chỉ liên quan đến vấn đề biên giới mà phía đường sắt Trung Quốc cũng phải đầu tư làm đường lồng đến điểm nối ray.

“Bộ Giao thông đang tích cực đàm phán với Trung Quốc để thống nhất phương án nối ray, kết nối khổ đường để có thể ưu tiên đầu tư xây dựng trước”, Thứ trưởng Đông nói.

Nguồn: Báo Vnexpress