Sau khi đường sắt phía Trung Quốc nâng cấp lên khổ ray 1.435mm, các đoàn tàu chở hàng từ Việt Nam phải sang toa tại ga phía Trung Quốc, làm gia tăng chi phí, thời gian vận chuyển.
Tăng chi phí vận tải
Cảng ICD Lào Cai nằm trong khu công nghiệp Đông Phố Mới, cách cửa khẩu Lào Cai 4km, là nơi tập trung hàng hóa trước khi xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai và vận chuyển vào nội địa. Đây là cảng ICD duy nhất ở cửa khẩu có đường sắt kết nối với tuyến đường sắt quốc gia, nối với ga Lào Cai và thông với ga Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc.
Đại diện cảng ICD Lào Cai cho biết, trước năm 2016, hàng hóa được vận chuyển thẳng bằng đường sắt từ cảng sang Trung Quốc hoặc vào nội địa, tuy nhiên từ năm 2016 đến nay đã bị hạn chế, không thuận lợi bằng đường bộ. Nguyên nhân do đường ray phía Trung Quốc đã đổi sang khổ chiều rộng 1.435mm, còn đường ray của đường sắt trong nước có khổ 1.000mm, khiến tàu khi đến cửa khẩu Hà Khẩu phải sang toa hàng hóa, gây tốn kém chi phí và thời gian hơn so với đường bộ.
Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Lào Cai cho biết, hiện chỉ có một nhánh đường sắt phía Trung Quốc còn khổ 1.000mm để các đoàn tàu có thể chạy thẳng từ nội địa sang ga Trung Quốc và ngược lại. Dẫu vậy, bên cạnh đó khó khăn cho vận tải đường sắt Việt Nam trong việc sang toa tại ga bên Trung Quốc là còn phải lựa chọn toa xe đủ tiêu chuẩn.
“Không phải toa xe nào của đường sắt phía Việt Nam cũng đủ điều kiện để liên vận quốc tế, nên phải lựa chọn toa xe phù hợp với yêu cầu bên kia. Đơn giản nhất như toa xe phải có mui”, ông Quý cho biết.
Về phía Tổng công ty Đường sắt VN, trong văn bản mới đây gửi Bộ GTVT cũng cho biết, việc đường sắt liên vận phải sang toa hàng hóa tại ga Hà Khẩu Bắc bên Trung Quốc đang khiến chi phí vận tải đường sắt tăng. Tổng công ty cũng đề nghị sớm cho đầu tư để kết nối liên thông đường sắt hai bên.
Nỗ lực để kết nối
Theo ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN, “điểm nghẽn” lệch ray đang gây cản trở lớn đến kết nối vận tải trên tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai, Hà Nội - Lào Cai. Việc này cần sớm được ưu tiên giải quyết trước mắt để tăng kết nối vận tải đường sắt. Bộ GTVT đã và đang nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để giải quyết. Giải pháp là đầu tư, cải tạo khoảng hơn 3km đường sắt từ ga Lào Cai đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc) theo khổ ray tiêu chuẩn 1.435mm.
Đường sắt Đông - Tây là tuyến vận tải kết nối đi qua các tỉnh, thành phố: Hải Phòng - Hải Dương - Hưng Yên - Hà Nội - Vĩnh Phúc - Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai. Khu vực này có khoảng 20 tuyến nhánh đi vào cảng biển, cảng sông và các nhà máy, khu công nghiệp như: Nhà máy Supe & Phốt phát hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ), đường nhánh Đức Giang Công ty Xăng dầu Hà Nội (Gia Lâm, Hà Nội); đường nhánh vào đường sắt công nghệ mỏ (Xuân Giao - Lào Cai); đường nhánh vào Cảng ICD (Ga Lào Cai)… thuận lợi để đường sắt phát triển vận tải hàng hóa.
|
Đại diện Cục Đường sắt VN cho biết thêm, dự án này có tổng mức đầu tư hơn 299 tỷ đồng, đã được Bộ GTVT cho phép chuẩn bị đầu tư từ cách đây vài năm. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và dự kiến căn cứ nguồn vốn để triển khai trong giai đoạn 2016-2018. Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, Cục Đường sắt, Bộ GTVT đã nhiều lần liên hệ với các cơ quan liên quan của Trung Quốc, nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm về đơn vị đứng ra phối hợp.
“Việc khơi thông “điểm nghẽn” về khổ ray cần có sự thống nhất từ phía Trung Quốc, nhưng khó khăn là các cơ quan bên nước bạn chưa xác định rõ đơn vị đầu mối để phối hợp thực hiện. Gần đây nhất, ngày 15/3, Cục Đường sắt VN đã gửi văn bản đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam hỗ trợ, hướng dẫn làm việc với cơ quan đầu mối để phối hợp thực hiện việc kết nối ga đường sắt Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc của Trung Quốc”, ông Duy nói, đồng thời nhận định vướng mắc trên được khơi thông chắc chắn sẽ giúp nâng hiệu quả vận tải bằng đường sắt, tạo kết nối đường sắt tốt hơn trên tuyến Hải Phòng - Lào Cai, Yên Viên - Lào Cai.
Liên quan vấn đề trên, theo đại diện Cảng ICD Lào Cai và Chi nhánh vận tải đường sắt Lào Cai, nếu kết nối được ga Lào Cai và Hà Khẩu sẽ giúp sản lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng, giảm được thời gian, chi phí và vận tải đường sắt kết nối tốt hơn với các cảng, đầu nguồn hàng.
Nguồn: Báo Giao thông