Đó là khẳng định của ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT ITL tại lễ ký thực hiện Trung tâm logistics ga Yên Viên.
Sau hơn một năm đàm phán tích cực, sáng 16/9, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tập đoàn ITL (Indo Trans Logistics) đã ký kết thực hiện Dự án xã hội hóa đường sắt Trung tâm logistics – ga Yên Viên (Hà Nội).
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông hoan nghênh VNR và ITL đã nỗ lực để thực hiện dự án xã hội hóa này nhằm đẩy nhanh năng lực vận chuyển trên đường sắt và mang lại lợi ích cho các bên và cả khách hàng.
Thứ trưởng Đông khẳng định trong Chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam và Quy hoạch phát triển đường sắt chi tiết xác định rất rõ mục tiêu từ nay đến 2020 thị phần vận tải hàng hóa đường sắt tăng từ 1 – 2% và đến năm 2030 đạt từ 3 – 4%, hiện nay chưa đạt được 1%. Với hạ tầng hiện có, việc đạt được từ 1- 2% cũng rất khó nếu như không có sự kêu gọi đầu tư phù hợp.
Thứ trưởng đề nghị VNR cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu và thực hiện cổ phần hóa theo đúng kế hoạch. VNR cần đề xuất các cơ chế mới để thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn và khai thác đường sắt hiệu quả hơn.
Theo thỏa thuận, Công ty ITL được quyền sử dụng và khai thác Trung tâm Logistics ga Yên Viên, với thời hạn 23 năm, sau đó chuyển giao toàn bộ cho đường sắt. Trung tâm Logictisc ga Yên Viên sẽ được đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ tháng 10/2015 – tháng 6/2016, xây dựng Bãi hàng phía Nam ga Yên Viên.
Tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng. Tổng diện tích 18.984 m2; trong đó xây dựng nhà điều hành 400 m2. Đầu tư mới nhánh đường sắt xếp, dỡ H3 280 m. Đầu tư mới hệ thống bãi hàng và đường nội bộ: 18.500 m2. Đầu tư hệ thống cẩu chuyên dụng RTG, cẩu nâng container, forklift và phần mềm quản lý. Giai đoạn 1 sẽ được khởi công vào ngày 10/10/2015 va hoàn thành dự kiến vào thang 6/2016.
Giai đoạn 2 từ tháng 1/2016 - tháng 6/2016, lập báo cáo khả thi đầu tư khu vực bãi hàng phía Bắc ga Yên Viên. Xây dựng các phân khu Hàng hóa, Kho bãi, Khu vực tác nghiệp vận hành đường sắt và xếp dỡ hàng hóa.
Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, bên cạnh dự án này, VNR đang thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư vào nhiều dự án khác của đường sắt, như bãi hàng ga Lào Cai, bãi hàng Đồng Đăng... VNR sẵn sàng mở cửa cho tất cả các nhà đầu tư vào đường sắt. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao được năng lực vận chuyển đường sắt, tạo nhiều lợi ích cho khách hàng, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư trên cơ sở kết nối các phương thức vận tải, hiện đại hóa công nghệ bốc xếp. “Tôi có niềm tin tuyệt đối dự án này sẽ hoàn thành vượt kế hoạch đề ra”, ông Thành nói.
Ông Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn ITL cho biết: "Trung tâm logistics – ga Yên Viên sẽ là cánh tay nối dài các cảng biển khu vực phía Bắc, bao gồm Hải Phòng, Cái Lân... Cùng với nâng năng lực, chúng tôi sẽ tăng cường việc khai thác đường sắt đi các tuyến. Chúng tôi cũng sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho các khách hàng, việc thông quan hàng hóa sẽ được tiến hành ngay tại Hà Nội thay vì tại các cảng biển. Đây là giá trị gia tăng rất lớn thuận tiện cho khách hàng. Chúng tôi cam kết đưa dự án vào hoạt động vào trước tháng 6/2016".
Ông Tuấn Anh cũng bày tỏ mong muốn các khách hàng sẽ ủng hộ dịch vụ của đường sắt Việt Nam thông qua Trung tâm logistics – ga Yên Viên.
Nguồn: Báo Giao thông