http://vnra.gov.vn/van-ban
Ngày cập nhật : 06/10/2015

Mở đợt cao điểm xử lý vi phạm ATGT trên toàn quốc

Mở đợt cao điểm xử lý vi phạm ATGT trên toàn quốc

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương 41 tỉnh, thành giảm TNGT trong 9 tháng, đồng thời chỉ đạo nhiều giải pháp mạnh...

26
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác ATGT

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác ATGT được tổ chức cuối tuần qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia biểu dương 41 tỉnh, thành giảm TNGT trong 9 tháng, đồng thời chỉ đạo nhiều giải pháp mạnh, trong đó có mở đợt cao điểm xử lý vi phạm ATGT trên toàn quốc, quyết đạt chỉ tiêu giảm TNGT trong năm 2015 Quốc hội giao.

Vẫn còn 20 địa phương tăng TNGT

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, 9 tháng qua (từ 16/12/2014 đến 15/9/2015), toàn quốc xảy ra 16.459 vụ TNGT, làm chết 6.518 người và bị thương 14.929 người. So với cùng kỳ năm 2014 giảm 2.239 vụ (-12%), giảm 240 người chết (-3,55%) và giảm 2.906 người bị thương (-16,29%). Có 41 tỉnh, thành phố giảm được người chết, trong đó 9 địa phương giảm trên 20%.

Đối với Hà Nội cứ đi chậm là tắc đường. Nguyên nhân là do ý thức của người tham gia giao thông. Hà Nội “ước ao” ý thức tham gia giao thông của người dân được như TP HCM thì giao thông Hà Nội sẽ cải thiện rất nhiều”.

Ông Nguyễn Quốc Hùng
Phó chủ tịchUBND TP Hà Nội

”Tỉnh đã phân tích rõ nguyên nhân TNGT gia tăng, trên cơ sở đó sẽ tập trung đồng bộ các giải pháp, trong đó sẽ tăng cường kiểm tra, gắn trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, Ban ATGT các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh về TNGT trên địa bàn”.

Ông Nguyễn Đức Long
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh

”Tới đây cần nghiên cứu lại Quyết định 57 về cơ cấu tổ chức Ban ATGT của các địa phương theo hướng phân cấp rõ ràng hơn cho cấp cơ sở, cần nghiên cứu mô hình công an địa phương, công an các xã tham gia kiểm soát ATGT cấp cơ sở. Vì hiện nay đường GTNT được đầu tư tốt hơn trong khi ý thức tham gia giao thông chưa cao nên TNGT khu vực này có biểu hiện gia tăng”.

Ông Dương Ngọc Long
Chủ tịch UBNDtỉnh Thái Nguyên

“Cùng với kết quả kéo giảm TNGT, TTATGT trên toàn quốc tiếp tục có chuyển biến tích cực, ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM, trên các quốc lộ trọng điểm tiếp tục được kéo giảm, vi phạm về chở hàng hóa quá tải trọng trên đường bộ đã giảm mạnh”, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Tuy nhiên, trước thực tế còn 20 địa phương gia tăng TNGT, trong đó có 5 tỉnh tăng ở mức hơn 20% số người chết, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị: “Các địa phương chưa giảm TNGT cố gắng tập trung thực hiện các giải pháp, học tập kinh nghiệm các địa phương làm tốt để năm 2015 phấn đấu đạt các tiêu chí giảm TNGT mà Quốc hội giao, địa phương đã giảm TNGT cố gắng thực hiện tốt hơn”.

Nêu thực tiễn công tác bảo đảm ATGT tại địa phương, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, TNGT tại địa phương giảm nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm ở các trục đường có nguy cơ TNGT cao, tập trung tuyên truyền kết hợp với giáo dục, răn đe tại chính quyền cơ sở các đối tượng nhiều lần vi phạm pháp luật ATGT và có nguy cơ cao gây ra TNGT. Bên cạnh đó, cũng nhờ hoàn thành việc nâng cấp cải tạo, giao thông thuận tiện nên TNGT trên tuyến QL1 giảm 24% so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh cho biết, tình hình ATGT trên địa bàn tỉnh trong quý III/2015 đã tốt hơn 6 tháng đầu năm nhờ địa phương phân tích đúng nguyên nhân gia tăng TNGT và thực hiện duy trì đường dây nóng để nhận thông tin từ nhân dân, tăng cường chỉ đạo CSGT và huy động lực lượng công an xã vào cuộc.

Siết chặt đảm bảo ATGT đường sắt, vùng nông thôn

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia ghi nhận thời gian qua có sự chuyển biến tích cực trong toàn hệ thống trong công tác bảo đảm TTATGT, đồng thời biểu dương các bộ, ngành và 41 địa phương kéo giảm được TNGT trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng số người chết do TNGT chỉ giảm 3,55% là chưa đạt yêu cầu, trong khi đó số vụ TNGT đường sắt, đường thủy lại tăng cao, cũng như chuyện tái xuất hiện tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM, vẫn còn hiện tượng bảo kê, “xe vua” chở quá tải, những hạn chế trong công tác bảo đảm TTATGT tại những tuyến đường mới được nâng cấp, khu vực nông thôn…

Tiêu chí mới đánh giá công tác ATGT

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ năm 2016 sẽ áp dụng tiêu chí mới trong đánh giá công tác bảo đảm ATGT, nhằm đảm bảo sự phù hợp và công bằng giữa các địa phương. Điều này cũng xuất phát từ thực tế là theo cách đánh giá hiện nay, có nơi TNGT chỉ tăng 2-3 vụ, nhưng xét tỷ lệ tăng đến 200 - 300%, dẫn đến việc có tỉnh xảy ra nhiều TNGT hơn tỉnh khác nhưng lại không thuộc nhóm địa phương gia tăng TNGT và ngược lại.

Liên quan đến các giải pháp cụ thể kéo giảm TNGT, Phó Thủ tướng yêu cầu mở đợt cao điểm xử lý vi phạm TTATGT trên toàn quốc. Cùng đó, siết chặt vận tải và xử lý “không có vùng cấm” đối vi phạm chở quá tải, xe dùng biển giả quân sự để chở quá tải, xử lý nghiêm các dự án xây dựng công trình giao thông trong đô thị gây ùn tắc giao thông...

Riêng lĩnh vực đường sắt, Phó Thủ tướng yêu cầu Cục Đường sắt phối hợp với lực lượng CSGT xử lý nghiêm vi phạm tại đường ngang giao cắt với đường sắt. Các địa phương vào cuộc trách nhiệm hơn trong đảm bảo an toàn đường ngang. Bên cạnh đó, các địa phương phải có chương trình bảo đảm ATGT nông thôn, nhất là với đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

“Bộ Công an, Quốc phòng và tất cả các địa phương tiến hành sơ kết việc thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, để có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, chứ không thể để xảy ra việc “khoán trắng” công tác bảo đảm ATGT cho Ban ATGT địa phương”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

 
 
 
Nguồn: Báo Giao thông