Trên thực tế lại không như vậy. Theo một báo cáo mới đây của Ban An toàn giao thông tỉnh Bình Thuận, trong 9 tháng năm 2016, trên Quốc lộ 1A đoạn qua Bình Thuận xảy ra 145 vụ tai nạn giao thông làm 102 người chết và 100 người bị thương; chiếm 34,1% số vụ, 26,5% số người bị thương và 57,6% người chết vì tai nạn giao thông trên toàn tỉnh. Tử vong tăng cao trên Quốc lộ 1A cũng là một trong những nguyên nhân làm cho số người chết vì tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh tăng 2,3% so cùng kỳ 2015 và rất khó để kéo giảm từ 5-10% theo chỉ tiêu đã đề ra.
Một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng (2 vụ làm chết 16 người, bị thương 15 người) là do tuyến đường ở các huyện phía Nam của tỉnh còn hẹp, không có dải phân cách nên đã gây ra những vụ đối đầu kinh hoàng. Tuy nhiên không phải chỉ các huyện phía Nam mà các huyện phía Bắc của tỉnh nơi đường sá rộng rãi, có dải phân cách hẳn hoi tai nạn giao thông vẫn tăng rất cao như Tuy Phong 19 người chết (tăng 11,8%), Bắc Bình 26 người chết (tăng 62,5%).
Rõ ràng không phải chỉ kết cấu hạ tầng giao thông mà là ý thức của người tham gia giao thông không tốt là nguyên nhân chính gây ra tai nạn. Theo thống kê của ngành chức năng thì nguyên nhân gây tai nạn giao thông cao nhất là đi không đúng phần đường, làn đường chiếm đến 34,4%, tiếp đến là vi phạm quy trình thao tác lái xe chiếm 32,1% và các nguyên nhân khác như vượt không đúng quy định, không nhường đường, vi phạm tốc độ, rượu bia… Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như leo qua dải phân cách, đi ngược chiều và một số hành động phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông như bẻ tấm chống chói, xê dịch dải phân cách để làm lối đi cũng đều là những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra tai nạn giao thông.
Chính vì vậy tuyên truyền, giáo dục vẫn là vấn đề hết sức quan trọng. Kết cấu hạ tầng dù có tốt đến mấy nhưng ý thức kém thì tai nạn giao thông vẫn cứ xảy ra. Trong tuyên truyền phải tập trung vào đối tượng, hành vi, địa bàn thường xảy ra tai nạn giao thông. Chẳng hạn ở các huyện phía Bắc tỉnh thì tập trung vào hành vi đi ngược chiều dải phân cách, leo qua dải phân phân cách, bẻ tấm chống chói, xê dịch dải phân cách… cùng với đó là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm này. Các huyện phía Nam thì tập trung vào các hành vi đi không đúng phần đường, làn đường, phóng nhanh vượt ẩu, băng ngang qua đường không báo hiệu trước… cùng với đó đẩy nhanh tiến độ mở rộng Quốc lộ 1A. Đến nay mới chỉ triển khai được một đoạn trong 6 đoạn theo dự kiến là quá chậm, nếu càng chậm thì nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng sẽ càng cao.
Lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ trên Quốc lộ 1A cũng là một trong những nguy cơ tai nạn giao thông. Các địa phương cần phải tổ chức vận động tháo dỡ, giải tỏa dứt điểm các biển quảng cáo, hàng quán, các điểm họp chợ tự phát, các công trình xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ. Đặc biệt chú ý xử lý những điểm nóng như: Thị trấn Thuận Nam, chợ Hàm Minh, tường rào Công ty Hồng Quế Hoa (xã Hàm Mỹ), điểm họp chợ tự phát tại Km1717+600 (ngã ba QL1A đi Ba Bàu) thuộc huyện Hàm Thuận Nam; khu vực chợ Lương Sơn, Chợ Lầu (huyện Bắc Bình); khu vực Phú Long và khu vực buôn bán thanh long ở cầu Ông Tầm (Hàm Thuận Bắc); khu vực Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong). Giải quyết được những “điểm nóng” này cũng góp phần quan trọng trong việc hạn chế tai nạn giao thông và lập lại trật tự, văn minh trên tuyến giao thông huyết mạch Quốc lộ 1A qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Nguồn: Báo Bình Thuận